Ngày 9/11, cho ý kiến về dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, đại biểu Lê Minh Hiền đề nghị cần có quy định về việc minh oan cho người bị buộc tội, chết trong giai đoạn điều tra. "Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp, vì vậy pháp luật tố tụng hình sự cần quy định cụ thể để giải oan cho người bị buộc tội oan, vơi đi đau khổ cho thân nhân của họ", nữ đại biểu nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, dẫn nội dung Hiến pháp, đại biểu Lê Nam nhấn mạnh chỉ những người bị tuyên bằng bản án thì mới có tội. “Lâu nay nếu người người bị tạm giam, tạm giữ chết thì chúng ta đình chỉ điều tra. Nhưng thực tế thời điểm đó vụ án chưa kết thúc điều tra, chưa chứng minh được họ có tội hay không thì câu chuyện này giải quyết như thế nào?”, đại biểu Nam đặt vấn đề.
Từ thực tế trên, đại biểu Nam đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo cân nhắc và xem xét đề xuất quy định về việc minh oan cho người bị chết trong giai đoạn điều tra.
Đề cập tình trạng bức cung, nhục hình với người bị tạm giữ, tạm giam, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng số lượng và mức độ nghiêm trọng đang gia tăng, "vượt khỏi vòng kiểm soát". Điều này thể hiện qua các vụ oan, những vụ bức cung bị phát hiện trong thời gian qua. Luật sư Nghĩa mong muốn Bộ luật tố tụng hình sự và Luật thi hành tạm giữ tạm giam cần tạo ra hành lang pháp lý để khắc phục tình trạng vi phạm quyền con người, quyền công dân khi tạm giữ, tạm giam.
Trưởng đoàn đại biểu Nam Định, ông Nguyễn Anh Sơn nhận định: “Thời gian vừa qua những người tự sát hoặc chết vì các nguyên nhân khác trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam khá nhiều”. Theo đại biểu Sơn, ngoài nguyên nhân tâm lý dẫn tới hành động bộc phát của những người này còn bởi "những việc làm chưa đúng của cán bộ công an" cũng như điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Ông Sơn dẫn chứng từ báo cáo của Bộ Công an cho thấy số chỗ tạm giữ mới đạt 19.000 so với con số trên 43.000 chỗ theo quy hoạch; chỗ tạm giam là 10.000 so với nhu cầu trên 46.000.
Võ Hải