Phát biểu trong phiên thảo luận chiều 27/2 của Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Tạm giữ - tạm giam, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhận định, tạm giữ - tạm giam là hoạt động cần thiết nhằm ngăn chặn tội phạm tiếp tục phạm tội; trốn tránh và đảm bảo thi hành án. Hoạt động này những năm qua phục tốt cho công tác điều tra, thi hành án. 83 nhà tạm giam - tạm giữ đã tiếp nhận hơn 2 triệu bị can, ngoài ra trong quân đội có hàng trăm nhà tạm giữ khác.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vương, 16 năm thực hiện quy chế về tạm giữ - tạm giam đã bộc lộ nhiều hạn chế. Việc quy định đối với quyền nhân thân của người bị tạm giữ - tạm giam chưa cụ thể, chế độ thăm nuôi của người nhà chưa phù hợp với thực tiễn. Chưa có quy định cụ thể, phù hợp về tạm giữ - tạm giam đối với trẻ vị thành niên, phụ nữ có thai, người chưa phân biệt giới tính, khuyết tật về giới tính... Ngoài ra, công tác tạm giam đối với phạm nhân chờ thi hành án tử hình cũng có nhiều bất cập.
Ông Vương cho rằng, từ những bất cập này, việc ban hành Luật Tạm giữ - tạm giam là rất cần thiết. Dự thảo Luật gồm 11 chương, 86 điều quy định về chế độ tạm giữ - tạm giam, quyền của người bị tạm giữ - tạm giam...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, dự thảo Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, các quy định cần xây dựng cụ thể hơn trên cơ sở thực tiễn tình trạng làm chết nghi can, bức cung, nhục hình và quá tải xảy ra trong thời gian tạm giữ, tạm giam như thời gian vừa qua.
Một trong những vấn đề quy định trong dự thảo Luật vấp phải sự phản đối gay gắt của đa số các đại biểu là quy định hình thức kỷ luật cùm chân đối với người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị xem xét lại quy định này. Ông Lý cho rằng, người bị tạm giữ - tạm giam chưa phải là người có tội mà bị cùm chân thì khác gì có tội. "Như vậy là xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người trong khi Hiến pháp quy định bảo vệ những quyền này", ông Lý nêu quan điểm.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước đề nghị cần phân biệt kỷ luật người bị tạm giam phải chia thành hai loại. Thứ nhất là đối tượng đang tiến hành tố tụng, nếu áp dụng hình thức kỷ luật cần cân nhắc vì dễ bị lợi dụng để tra tấn, nhục hình, bức cung. Với đối tượng thứ hai là những người có án thì cũng phải cân nhắc vì họ vẫn phải được đảm bảo tối thiểu quyền con người. "Cần rà lại quy định theo tinh thần Hiến pháp 2013. Đó không phải là sự nhu nhược trước hành vi phạm tội mà là vấn đề đại nghĩa", ông Phước nói.
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong nhận định, tất cả các vụ bức cung, nhục hình đều xảy ra trong thời gian tạm giữ; thông cung, nhục hình xảy ra trong quá trình tạm giam. Do đó cần quy định trong luật này và cần xác định hình thức kỷ luật. "Trong quá trình điều tra ở thời gian tạm giữ - tạm giam mà còng tay treo lên cửa sổ, cùm chân chính là nhục hình rồi. Nếu quy định trong luật thì hình thức kỷ luật này rất dễ bị lạm dụng", ông Phong nói.
Còn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng những hình thức kỷ luật quy định trong dự thảo Luật này còn khắt khe hơn đối với phạm nhân.
Theo thượng tướng Lê Quý Vương, việc cùm chân người bị tạm giữ, tạm giam chỉ là một hình thức kỷ luật cảnh cáo và kéo dài không quá 10 ngày (khoản 2 Điều 22 và Điều 38) và hình thức kỷ luật này không phải là nhục hình. Ban soạn thảo đã nghiên cứu công tác trại giam của các nước, nhiều nước không gọi là trại tạm giam - nhà tạm giữ như ở nước ta mà chỉ gọi chung là trại giam. Hình thức cùm chân người bị tạm giữ, tạm giam ở nước ngoài cũng có và còn có cả hình thức xiềng xích chân.
Ông Vương cũng cho rằng, đây chỉ là biện pháp kỷ luật xuất phát từ thực tiễn cần ngăn chặn những hành vi nguy hiểm của tội phạm. Thứ trưởng lấy dẫn chứng về các những người có khả năng gây nguy hiểm như Lê Văn Luyện, những bị can vừa hiếp dâm vừa giết người, các đối tượng có hơn chục tiền án và "hở ra là trốn".
Bên cạnh quy định về kỷ luật người tạm giữ, tạm giam, đa số các ý kiến của các ủy viên Thường vụ đều cho rằng cần quy định cụ thể hơn nữa quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam. Họ chưa có tội và chỉ bị hạn chế quyền tự do đi lại, những quyền khác vẫn phải được đảm bảo.
Các đại biểu kiến nghị cần quy định có phòng giam riêng cho người đồng tính và khuyết tật về giới tính, không nên giam chung người chưa thành niên với người thành niên. Việc dự thảo luật chưa quy định về chế độ khám thai định kỳ dành cho phụ nữ mang thai cũng được các đại biểu quan tâm kiến nghị.
Ông Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ các quy định trong dự thảo Luật xem có phù hợp hay vi phạm công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Dự luật này sẽ được trình lên Quốc hội lần đầu ở kỳ họp tới.
Bảo Hà