Thông tin được Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết sáng 6/12, khi truyền đạt chuyên đề Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong khuôn khổ hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Theo nghị quyết Trung ương, các đô thị đặc biệt, lớn sẽ được xác định tỷ lệ nguồn thu giữ lại hợp lý để đảm bảo phát huy vai trò là cực tăng trưởng kinh tế. Vừa qua, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, tinh thần là tìm giải pháp để các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của đất nước phát huy vai trò trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
"Chính sách cho các địa phương sẽ được rà soát, thống nhất, nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới. Cần có những cực tăng trưởng, phát huy vai trò của trung tâm kinh tế - xã hội lớn phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ông Trần Tuấn Anh nói.
Mục tiêu năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại năm 2020 không hoàn thành; nhiều tiêu chí không đạt được như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế tạo và nông nghiệp trong GDP, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tỷ lệ đô thị hóa, điện sản xuất bình quân đầu người, chỉ số bất bình đẳng thu nhập, lao động qua đào tạo, dân số dùng nước sạch. Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm; nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình...
Một trong những nguyên nhân được Trung ương nêu ra là nhận thức về công nghiệp hóa chưa sát thực tiễn, duy ý chí. Các trọng tâm phát triển ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn chưa được xác định rõ, dàn trải, hiệu quả thấp.
Vì vậy, theo Ban chấp hành Trung ương, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực, có cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Nền công nghiệp quốc gia được xây dựng vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao, thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á.
Hai giai đoạn công nghiệp hóa
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Trung ương nêu 10 nhóm giải pháp, trước tiên là xác định hai giai đoạn công nghiệp hóa. Giai đoạn 2021-2030, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để bứt phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ, thị trường; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Giai đoạn 2031-2045, Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng sẽ được ưu tiên.
Cơ quan có thẩm quyền cũng cần ban hành cơ chế, chính sách riêng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp, tăng cường đặt hàng đào tạo và hỗ trợ tài chính với cơ sở đào tạo, người học; có chính sách ưu đãi cho lĩnh vực được xác định theo tiêu chí phù hợp từng giai đoạn.
Khung pháp lý phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số cũng được xây dựng, trong đó có cơ chế cho chính sách đặc thù cho phát triển, thử nghiệm, áp dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình mới. Việt Nam hướng đến xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự cường. Ngành công nghiệp được cơ cấu lại, hình thành vùng, vành đai, cụm liên kết ngành công nghiệp.
Ông Trần Tuấn Anh cho hay, Trung ương thống nhất xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Made in Vietnam 2045); Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030. Các lĩnh vực được ưu tiên là luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất, công nghiệp năng lượng, vật liệu, công nghệ số.
Việt Nam khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ; khuyến khích phát triển một số tập đoàn xây dựng quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh quốc tế...
Tăng ngân sách cho khoa học công nghệ
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao được Trung ương xác định là nhiệm vụ then chốt, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa. Tỷ lệ chi từ ngân sách cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ được tăng theo lộ trình, đến năm 2030 có thể đạt tỷ lệ thuộc nhóm ba nước đứng đầu ASEAN.
Hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo... cũng được xác định ưu tiên phát triển. Các cơ quan sẽ thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở một số địa phương, đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, lao động có kỹ năng, chuyên môn cao sẽ được xây dựng, nhất là chuyên gia, nhân lực lĩnh vực công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Việt Nam đặt mục tiêu có 5.000 km cao tốc năm 2030; phát triển đường sắt có trọng tâm. Mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công, sẽ được nghiên cứu thí điểm.
Trung ương yêu cầu có lộ trình phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển đất nước; sớm xây dựng cơ chế phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và thị trường tín chỉ carbon. Các đơn vị có chiến lược khai thác, chế biến quặng đất hiếm và một số loại kháng sản có giá trị cao.
"Cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nói.
Chiều nay, hội nghị tiếp tục nghe Phó thủ tướng Vũ Đức Đam truyền đạt chuyên đề Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.