![]() |
Người tiêu dùng trước nỗi lo giá xăng lại tăng. Ảnh: Anh Tuấn. |
Đêm qua, thị trường nhiên liệu thế giới chứng kiến một kỷ lục mới khi các hợp đồng dầu thô giao tháng 4 đã được ký tới 57,60 USD/thùng, cao hơn 15 USD so với đầu năm và tăng gấp rưỡi so với cùng thời điểm này năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng nhân tố tác động chính tới giá dầu lúc này vẫn là nhu cầu tăng cao, đồng đôla trượt giá và đặc biệt là tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Diễn biến giá thế giới đang đẩy các đầu mối nhập khẩu trong nước vào tình thế khó khăn. Chánh văn phòng Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Vũ Thế Bằng cho biết, mỗi ngày đơn vị đang lỗ 20 tỷ đồng, song vẫn phải nhập khẩu nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân. "Dầu thì bớt lo bởi đã được bù lỗ. Nhưng với xăng, ngay cả khi tận dụng hết biên độ giá cho phép, chúng tôi vẫn lỗ hơn 200 đồng/lít. Thuế đã giảm xuống 0% nhưng tình hình vẫn khó khăn quá", ông nói.
Công ty Xăng dầu Quân đội là một trong 9 đầu mối nhập khẩu trực tiếp về Việt Nam. Giám đốc Vương Đình Dung cho biết, hiện giá xăng bán lẻ tại các đại lý của công ty đang thấp hơn thế giới 10%. Với dầu, công ty đang lỗ khoảng 1.200 đồng/lít, xăng trên 1.000 đồng/lít. "Vẫn biết rằng Chính phủ và các bộ ngành đang hướng về doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi kiến nghị nên có một cơ chế kinh doanh làm sao để doanh nghiệp bớt lỗ, đặc biệt trong bối cảnh giá thế giới leo thang. Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để có thể trích lập dự phòng và tái đầu tư phát triển. Từ 3-4 năm nay, kinh doanh xăng dầu lúc nào cũng gặp khó khăn", ông Dung lo lắng.
Để giảm lỗ cho các doanh nghiệp nhập khẩu và đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường, Bộ Tài chính đã liên tiếp cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và đưa về mức 0%. Bộ còn đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế thuế linh hoạt đối với mặt hàng nhạy cảm này. Nếu được thông qua, tất cả các quyết định về thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ có hiệu lực ngay thời điểm ký, thay cho quy định 15 ngày kể từ khi đăng công báo như hiện nay.
"Xăng dầu là mặt hàng chịu rất nhiều sức ép của giá thế giới. Quy định về hiệu lực của các văn bản giấy tờ hiện nay không phù hợp với mặt hàng xăng dầu. Trong 1 tháng có thể chúng tôi phải điều chỉnh tới 2-3 lần thuế, nếu chờ ngày có hiệu lực thì giá thế giới đã biến động theo chiều ngược lại", ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Chính sách thuế Bộ Tài chính nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng liên tục điều chỉnh thuế cũng chưa hẳn là một biện pháp hữu hiệu, mà thay vào đó nên nới dần để giá xăng trong nước tiệm cận diễn biến thị trường thế giới. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương án duy trì sự ổn định của thuế nhập khẩu xăng dầu. Còn vấn đề điều chỉnh giá bán lẻ trong nước, theo các cơ quan quản lý, cần hết sức thận trọng, bởi xăng dầu là mặt hàng ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Trong trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh, sẽ phải căn cơ ở một mức độ nào đó và công bố vào thời điểm thuận lợi, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường.
"Việc điều chỉnh thuế vừa qua nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bù lỗ trước cơn sốt giá dầu đang được dự báo là tiếp tục tăng. Còn điều chỉnh giá theo hướng nào đang là vấn đề bàn thảo kỹ lưỡng và Bộ Tài chính chưa ấn định thời gian cụ thể", Cục phó Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thoả trao đổi với VnExpress.
Lực lượng quản lý thị trường các địa phương đang thực hiện nghiêm các quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Bản thân các doanh nghiệp cũng kiểm tra gắt gao lượng hàng bán ra và tồn kho hằng ngày trên toàn hệ thống đại lý của mình, nhằm đàm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu thị trường và chống đầu cơ. Theo Giám đốc Vương Đình Dung, mạng lưới đại lý tiêu thụ xăng đang hoạt động rất tốt. Mức chiết khấu dành cho đại lý là 1.700 đồng/lít cũng tương đối ổn định, góp phần tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng.
Minh Khuyên - Song Linh