Trong cuộc gặp tháng trước với Thủ tướng Anh tại Matxcơva, Tổng thống Nga vẫn tỏ ý nghi ngờ mục đích thực sự của cuộc chiến tranh Iraq. "Vũ khí huỷ diệt ở đâu, nếu quả nó thực sự tồn tại?", ông Putin nhấn mạnh. Câu hỏi đó cũng có thể được lặp lại trong cuộc gặp tay đôi với Tổng thống Mỹ chủ nhật này.
Sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), Putin là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên gọi điện cho ông Bush. Trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ tiến hành ở Afghanistan, Putin cho phép máy bay Mỹ bay qua không phận, đồng ý để quân nhân Mỹ sử dụng các căn cứ ở Trung Á, chia sẻ thông tin tình báo. Ông chủ Kremlin hành động bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các cơ quan an ninh có từ thời Liên Xô.
Đổi lại, chính quyền Bush thừa nhận rằng những kẻ ly khai Chechnya có liên quan đến khủng bố quốc tế. Tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ thuyết phục quốc hội từ bỏ luật Jackson Vanik, vốn áp dụng từ thời Liên Xô và nay đã lỗi thời, nhưng cũng không được. Năm 2002, Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ABM 1972, và rồi mở rộng NATO đến sát biên giới Nga.
Putin chấp nhận hết những đề nghị của Bush, nhưng không nhận được gì đáp lễ.
Khi cuộc chiến Iraq gần kề, Nga ban đầu định lui vào hậu trường, bởi tuy không ủng hộ Saddam Hussein, nhưng Matxcơva cần bảo vệ các lợi ích kinh tế ở Iraq. Tuy nhiên, Mỹ lại muốn phớt lờ vai trò của Nga. Trong khi đó, bên trong đất nước bạch dương, không khí chống chiến tranh Iraq sôi sùng sục, mang lại lợi thế cho đảng Cộng sản. Điều này thì ông Putin không thể bỏ qua bởi năm nay sẽ diễn ra bầu cử. Không thấy ích lợi gì từ lập trường ủng hộ Mỹ, Kremlin bắt tay với Đức và Pháp, đi đầu chống chiến tranh.
Như vậy hai bên sẽ đưa ra những lá bài nào trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới? Mỹ không có nhiều. Sau nhiều năm chờ đợi các kế hoạch phát triển chung Nga - Mỹ về năng lượng, giờ thì ngành dầu khí của Nga đã tự vận hành khá ổn. Nỗ lực gia nhập Tổ chức thương mại thế giới của Kremlin lại vấp phải sự phản đối của dân chúng trong nước, nên không còn là chủ đề bàn thảo của hai nguyên thủ. Và sau 4 năm liền tăng trưởng kinh tế gần 6%, nền kinh tế Nga không coi viện trợ tài chính là điều sống còn nữa.
Ngược lại, cán cân bên Nga đã tăng thêm đôi chút. Là một trong những chủ nợ lớn của Iraq, Matxcơva là thành viên của Câu lạc bộ Paris có vai trò quan trọng trong thương thảo về nợ của các quốc gia mất khả năng chi trả. Muốn Iraq phục hồi nhanh như ước mong của Mỹ, tổng nợ 380 tỷ USD của chính quyền cũ phải được giảm đi khoảng ba phần tư. Tuy nhiên, Nga, nước chưa từng được xoá nợ nước ngoài, dường như đang lưỡng lự về khả năng quên đi những món tiền lớn ở Iraq. Điều này sẽ là một vấn đề lớn trong việc huy động nguồn lực tài chính quốc tế cho tái thiết Iraq.
Việc Nga xuất khẩu công nghệ tên lửa sang Iran cũng là một thử thách đối với Mỹ. Washington đã nhiều lần thuyết phục Matxcơva ngừng, nhưng đều bị từ chối. Lý do mà Nga đưa ra là điều đó ảnh hưởng tới công nghiệp hạt nhân của nước này, và Iran là đối tác phù hợp nhất của Nga trong khu vực.
Hiển nhiên là ông Putin không muốn mối quan hệ song phương xấu đi. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo hiện còn tốt hơn giữa hai quốc gia. Trong thông điệp liên bang đọc giữa tháng này, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh chống khủng bố và ngăn ngừa phổ biến vũ khí huỷ diệt luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga. Đây sẽ là những chủ đề mà hai bên cùng hợp tác.
T. Huyền