(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Ở đây, thẳng lưng có thể hiểu là người thẳng thắn, có nhân cách, những người gù là những người thiếu thẳng thắn, thiếu nhân cách.
Nghe thấy quen, quen là vì người ta thường lấy số đông để gọi tên cho một thực thể. Ví dụ, khi gặp vườn có nhiều loại cây nhưng trong số các loại cây đó, có một loại cây chiếm chủ lực thì người ta gọi tên vườn là tên của cây chủ lực. Nếu trong vườn mà cây chủ lực là khoai lang thì dù có vài trăm củ sâm người ta vẫn gọi là vườn lang. Trong trường hợp này, sâm phải "chuyển hoá" để phù hợp với lang cho nó không bị khuyết tật.
Đau bởi người ta thường phán xét dựa theo ý kiến của số đông chứ không phải theo bản chất sự việc. Chúng ta có thể nói, đó là vườn lang nhưng bên trong có tới vài trăm cây sâm thay vì chỉ nói đó là vườn lang, đau là bởi người ta có thể vì để được số đông đánh giá, ghi nhận mình mà mình sẵn sàng bán cả nhân cách.
Người ta mượn số đông để che đậy sự giả dối của chính mình và sau đó đổ lỗi cho đám đông, đau bởi vì sao người ta không thể không "gù lưng" để cho khỏi "khuyết tật"? Đau bởi người ta vì "miếng cơm, manh áo" mà bán rẻ lương tâm nhưng vẫn muốn mọi người nói mình có lương tâm. Đến khi sự thật bị phanh phui, vi phạm đã rõ ràng và được kết luận thành tội lỗi thì lại muốn bào chữa tội lỗi của mình bằng cách đổ cho hoàn cảnh. Đã đem tâm cho hình hài sai khiến, lại ngậm ngùi than vãn là vì ai.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi nói về hạn chế của cơ chế bao cấp, Lưu Quang Vũ có nói: "Bao cấp chính là sự không tin vào con người, những chủ thể sáng tạo. Và tác hại của hệ thống quan liêu bao cấp của cơ chế cũ không phải chỉ làm cho năng suất kém, đời sống thấp mà tác hại đáng sợ nhất là làm sa sút phẩm chất con người, làm hư hỏng con người, phá hoại những mối quan hệ giữa con người với con người, dung túng cho thói quan liêu ích kỉ, hèn nhát, ỷ lại, tối tăm, ngu muội, phải chống lại nguy cơ đó."
Ngay từ ngày đó, chúng ta đã nhận thức được những hạn chế của cơ chế quản lý quan liêu - bao cấp và chúng ta đã chống lại nó bằng việc đổi mới toàn diện đất nước. Vì tham lam quyền hạn, lợi lộc mà đâu đó còn những cán bộ thoái hoá, biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", suy thoái đạo đức, hành xử vi phạm pháp luật làm xói mòn lòng tin của người dân.
Số cán bộ này liên kết với nhau tạo thành những "nhóm lợi ích" tìm cách vơ vét tài sản của quốc gia, bắt chẹt để lấy cắp của cải của người dân khi có cơ hội. Chúng vì lợi ích của mình, nhóm mình làm phương hại lợi ích tập thể, của quốc gia nhưng đến khi bị bắt thì chúng tìm cách thanh minh về lòng trong sạch và muốn đổ vết nhơ đang có là do hoàn cảnh đưa đẩy. Họ là những người cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể.
Những gì xảy ra trong vụ nâng điểm tại Hoà Bình cho chúng ta thấy: Vẫn còn những cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống: Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; thao túng trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội...
Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Câu hỏi đặt ra là còn có bao nhiêu địa phương có "biểu hiện" như ở Hoà Bình?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Phan Văn Minh