Cứ 3 giờ, Ari Wibowo phải bôi kem dưỡng ẩm cho da một lần và ngâm mình trong nước mỗi giờ một lần để ngăn chặn tình trạng da bị cứng lên. Nếu không làm thế, người cậu trông như một tác phẩm điêu khắc đồng thời đi lại vô cùng khó khăn. Cậu cũng sẽ không thể nói chuyện bởi những lớp da bên trong miệng sẽ cứng lên và làm khô các mạch máu trong cơ thể. Wibowo còn bị suy giảm thị lực ở mắt phải, cậu giữ mắt trái ẩm bằng cách liên tục nhỏ thuốc mắt để có thể nhìn rõ mọi vật.
Các bác sĩ Indonesia đã bó tay với trường hợp của Wibowo, họ không có khả năng và cũng không sẵn sàng cứu chữa. Ngay khi mới chào đời, Wibowo đã không bình thường với vảy da có trên khắp cơ thể, từ chân đến đầu, giống như vừa bị đốt cháy, giống như một con rắn sắp bị lột da. Các bác sĩ ở bệnh viện địa phương đã nói với cha mẹ Wibowo rằng họ không có cách nào chữa bệnh cho cậu và đề nghị cha mẹ mang cậu bé đi xa. Tuy nhiên, cậu bé vẫn đang cố gắng sống một cuộc sống bình thường trong ngôi làng của mình. Cậu bé vẫn ăn thức ăn bình thường như mọi người khác, đặc biệt thích món mì ăn liền và bánh quy giòn.
Bệnh ngoài da, da khô và ngứa vốn là loại bệnh phải chữa trị rất lâu, không thể chỉ điều trị bằng cách tắm nước nóng và dùng kem bôi da. Erythroderma, còn gọi là viêm da tróc vẩy tự phát, với đặc trưng là tình trạng da cháy đỏ và ảnh hưởng tới khoảng 90% bề mặt cơ thể. Theo một bài viết đăng trên Tạp chí Da liễu Ấn Độ năm 2009, căn bệnh này có thể kéo theo nhiều bệnh khác, ngoài các nguy cơ từ chính căn bệnh và các phương pháp điều trị của nó. Erythroderma có thể gây ra tử vong, kể cả khi nó được quản lý đúng cách, bởi nó có thể gây nên những vấn đề trong trao đổi chất và có những biến chứng khác.
Do cuộc sống lạc hậu, người dân trong làng giải thích tình trạng của Wibowo theo một quan niệm mê tín dị đoan: Nếu một phụ nữ ngược đãi động vật khi đang mang thai thì đứa con sẽ bị quả báo. Họ đổ lỗi mẹ Wibowo đã tra tấn một con thằn lằn mà bà tìm thấy trong nhà mình khi đang mang thai Wibowo. Niềm tin của những người dân làng đã làm cho cuộc sống của Wibowo và gia đình trở nên khó khăn hơn. Cậu bé không được đến trường, buộc phải học một mình ở nhà. Không trường nào nhận cậu vào học vì họ sợ tình trạng bệnh của cậu sẽ lây nhiễm cho giáo viên và học sinh khác. Wibowo cũng không có bạn bè nào dù cậu thường ra ngoài chơi. Cậu bị những đứa trẻ khác tẩy chay vì trông quá khác biệt.
Câu chuyện của Wibowo bắt đầu được thế giới biết đến khi nhiếp ảnh gia Nurcholis Anhari Lubis chụp hình Wibowo cho một luận văn với chủ đề nắm bắt cuộc sống và cách thức con người sống trong thế giới riêng của họ. Lubis đã có 4 ngày ở bên Wibowo và gia đình cậu bé để thực hiện các bức hình.
"Khi tôi đến gần Ari cho một buổi chụp hình, cậu bé trông rất nhút nhát nhưng không cảm thấy xấu hổ. Đặc biệt cậu bé hạnh phúc khi được chia sẻ câu chuyện của mình," Lubis cho biết.
Hoàng Anh (Theo Metro)