Mới đây, nghệ sĩ Trấn Thành xác nhận bị mắc bệnh giãn tĩnh mạch ở chân, một trong những nguyên do là anh đứng quá nhiều trong thời gian dài, được các bác sĩ khuyến cáo nên nghỉ ngơi.
Ngày 9/8, bác sĩ Lê Thanh Phong, Khoa Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh suy tĩnh mạch có nguồn gốc từ việc các van tĩnh mạch bị hư hỏng, tạo nên dòng chảy ngược hoặc do tĩnh mạch bị tắc nghẽn. Khi đó, sẽ có hiện tượng ứ đọng máu, tăng áp lực trong tĩnh mạch, kéo theo hiện tượng viêm và hậu quả là bệnh suy giãn tĩnh mạch xuất hiện.
Theo bác sĩ Phong, suy giãn tĩnh mạch là bệnh rất phổ biến. Thống kê của các nghiên cứu dịch tễ học thế giới ghi nhận, khoảng 30-40% dân số trưởng thành mắc bệnh này.
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh. Một số yếu tố không thể thay đổi được, như giới tính (nữ nhiều hơn nam), tuổi tác (tần suất mắc bệnh tăng theo tuổi), di truyền. Nhiều yếu tố có thể thay đổi giúp việc phòng bệnh và chữa bệnh được tốt hơn như đứng lâu, ngồi lâu hay ngồi chéo chân, mặc quần áo bó sát ở phần trên cơ thể, thường xuyên đi giày cao gót, chế độ ăn ít chất xơ gây táo bón...
Ở phụ nữ sinh nhiều con, khoảng cách giữa các lần sinh ngắn, nguy cơ bị suy tĩnh mạch càng cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy béo phì có liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch, xuất phát từ yếu tố ít vận động và những vấn đề kèm theo của người béo phì.
Bệnh có thể phát hiện qua các triệu chứng như cảm giác đau nhức chân, nặng, mỏi chân, cảm giác nóng, ngứa, co cứng hay chuột rút về đêm. Có những bệnh nhân mô tả khi đứng sẽ có cảm giác tê như máu chảy dồn xuống chân và châm chích rất khó chịu. Các triệu chứng này tăng lên khi người bệnh đứng lâu hay ngồi lâu, khi hành kinh, mang vác nặng, gặp thời tiết nóng bức và cải thiện khi bệnh nhân gác chân lên cao, mang vớ tĩnh mạch, quấn băng thun hay đi bộ. Khi bệnh nhân giảm cân hay tuân thủ chế độ tập luyện thể dục thường xuyên cho hai chân thì các cảm giác này có thể giảm xuống.
Các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch dễ nhầm lẫn là bệnh của xương khớp hay của thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên, đặc điểm quan trọng để phân biệt là cảm giác đau và khó chịu do suy tĩnh mạch có liên quan đến tư thế hay băng ép.
Một số nghiên cứu ghi nhận đối với bệnh suy tĩnh mạch mạn tính, triệu chứng đau ở chân có thể không tương quan với dấu hiệu lâm sàng. Điều này có nghĩa nhiều khi bệnh nhân đau ở chân rất nhiều nhưng khám thì không phát hiện gì. Ngược lại, đôi khi bệnh nhân có giãn tĩnh mạch ngoằn ngoèo dưới da nhưng không hề có đau nhức hay bất kỳ một triệu chứng nào khác.
"Việc không có triệu chứng khiến người nhiều người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm để đến phù nề, thay đổi da cẳng chân, lở loét, thậm chí đe dọa tính mạng", bác sĩ Phong nói. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để cải thiện chất lượng cuộc sống, ngăn chặn nguy cơ từ nhẹ chuyển sang giai đoạn nặng cũng như ngăn ngừa các biến chứng có thể gây tàn phế hay tử vong.
Để điều trị bệnh hiệu quả và ngăn ngừa tái phát, cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau, tùy từng cấp độ bệnh. Nếu ở giai đoạn sớm, điều trị bằng cách thay đổi lối sống, uống thuốc và mang vớ ép chân. Khi có những tĩnh mạch giãn với kích thước nhỏ có thể chích xơ. Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn, cần phải điều trị tích cực, phối hợp nội khoa và ngoại khoa. Nếu áp dụng phương pháp không phù hợp này, bệnh có thể sẽ nặng hơn, có hại cho sức khỏe và tốn kém.
Thông thường sau khi điều trị một thời gian, bệnh sẽ cải thiện các triệu chứng. Đặc biệt, khi phẫu thuật xong, các triệu chứng sẽ giảm hoặc biến mất. Tuy nhiên, vẫn cần tái khám để theo dõi bệnh, tuân thủ lối sống có lợi cho bệnh tĩnh mạch cũng như các biện pháp phòng tránh tái phát.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân suy tĩnh hạn chế đứng lâu, hạn chế ngồi lâu, tránh các yếu tố có hại cho tĩnh mạch, đồng thời tăng cường các yếu tố có lợi, thay đổi nghề nghiệp, chơi những môn thể thao phù hợp, tránh mang vác nặng...
Trong trường hợp phải ngồi lâu, đứng lâu, nên mang vớ áp lực nhẹ. Không nên ngồi bắt chéo chân hay ngồi xổm bởi vì các tư thế này làm cản trở dòng máu tĩnh mạch hồi lưu từ chân về tim. Sau một khoảng thời gian nhất định, đứng lên và đi lại.
Nếu như nghề nghiệp cần phải đứng thường xuyên, nên bù trừ bằng những khoảng thời gian đi bộ, vài lần mỗi ngày. Không nên mặc quần áo, quần áo lót hay những vật dụng khác quá chật. Tránh tiếp xúc nhiệt ở vị trí của cẳng chân ví dụ như không tắm nước nóng, không ngâm chân nước nóng, xông hơi...
Lê Phương