Giữa tuần trăng mật, trên du thuyền Britannia của Hoàng gia Anh, Diana lẻn vào bếp tìm kem. Tại lâu đài Windsor, lính gác bắt gặp bà ăn hết chiếc bánh bít tết cỡ lớn. Lần khác, Diana khiến bạn bè kinh ngạc khi "xử lý" cùng lúc 500 g kẹo rồi đến bữa tiệc từ thiện năm 1989 ở Manhattan, bà được miêu tả là "lao vào thức ăn".
Chẳng ai nghĩ rằng Công nương xứ Wales với chiều cao 1,78 m và cân nặng 58 kg lại ứng xử như vậy. Thế nhưng, đằng sau vẻ xinh đẹp trẻ trung, Diana phải sống trong bất an, lo lắng đến mức mắc chứng ăn - ói (bulimia vervosa).
Theo People, chứng ăn - ói của Diana khởi phát vào năm 1981. Vốn ưa ăn vặt, Công nương lúc ấy nặng khoảng 66 kg. "Bulimia xuất hiện ngay khi chúng tôi đính hôn. Chồng tôi vòng tay qua eo tôi rồi nói: 'Em yêu, em hơi béo thì phải'", Diana sau này kể với NBC. Cùng với đó, hàng loạt chỉ trích xuất hiện khiến cô dâu tương lai chịu áp lực nặng nề. Barbara Cartland, bà kế của Diana thừa nhận cháu gái lúc kết hôn "vô cùng ốm yếu".
Nỗi sợ bị kích hoạt, "Lady Di" tìm cách giảm cân rồi phát hiện có thể gầy đi nhanh chóng nếu ăn thật nhiều rồi nôn ra toàn bộ. "Lần đầu tiên làm vậy, tôi rất vui vì cảm thấy được giải tỏa", bà miêu tả, không quên đề cập đến căng thẳng đến từ cuộc hôn nhân sóng gió. Penny Junor, người viết tiểu sử của thái tử Charles không phủ nhận bà mắc bulimia song đổ lỗi cho tuổi thơ khó khăn mà Công nương xứ Wales trải qua.
Ban đầu, Diana khá cởi mở về chế độ ăn kiêng, thậm chí khẳng định đã tìm được phương pháp tuyệt vời. Tuy nhiên, bà ngày càng ốm yếu và rơi vào vòng luẩn quẩn không thể dừng lại. Trong cuốn sách Diana: Her True Story, tác giả Andrew Morton tiết lộ cuối những năm 1980, vấn đề của Diana lộ rõ đến mức chồng bà cũng nhận thấy. Có lần, giữa bữa ăn, Thái tử Charles mỉa mai: "Lại thế nữa à? Thật là một sự lãng phí". Ngoài ra, tác giả còn viết rằng Diana từng khóc lóc kêu cứu với những vết thương nhỏ trên ngực và đùi, nghi do tự hành xác.
Suốt thời gian dài, Diana che giấu tình trạng của mình. Giáo sư tâm thần học Hubert Lacey từ Bệnh viện St. George (Anh), chuyên gia hàng đầu về chứng ăn - ói nhận định: "Bệnh nhân hoàn toàn đủ khả năng tiếp tục sống bình thường, thậm chí không để chồng hay biết".
Dù từ chối bình luận về trường hợp "Lady Di", những mô tả của giáo sư Lacey về bulimia khá trùng hợp với Công nương: "Nó hay xảy ra ở những gia đình sinh nhiều con gái hơn con trai, nhiều xung đột giữa bố mẹ và người đàn ông gặp vấn đề với rượu". Trên thực tế, Diana có 2 chị gái và một em trai, trong đó chị cả Sarah từng điều trị chứng biếng ăn. Bá tước Campbell, bố của 4 chị em, rất hay uống rượu và ly dị vợ năm 1969.
Bên cạnh đó, giáo sư Lacey cho biết chứng ăn - ói bị kích hoạt bởi "sự đổ vỡ tình cảm, thường là mối quan hệ tình ái đầu tiên của bệnh nhân". Theo khẳng định của các nhà viết tiểu sử, Công nương xứ Wales chưa từng yêu ai trước Thái tử Charles.
Năm 1988, Diana bắt đầu điều trị chứng ăn - ói với bác sĩ tâm thần Maurice Lipsedge tại Bệnh viện Guy's London. Carolyn Bartholomew, người bạn chung phòng ngày trước, đã dọa sẽ kể hết với báo chí nếu "Lady Di" không chịu chữa bệnh. Nhờ bác sĩ Lipsedge, bà nhận ra bulimia xuất phát từ trầm cảm nên cách tốt nhất để hồi phục là điều trị trầm cảm.
Đầu và giữa những năm 1990, Diana lấy lại sức khỏe. Năm 1993, bà trở thành người tuyên truyền về rối loạn ăn uống, tạo nên "hiệu ứng Diana" giúp hàng loạt bệnh nhân dũng cảm mở lời tìm kiếm hỗ trợ cũng như kêu gọi sự chấp nhận từ phía cộng đồng. Morton nói: "Diana đã cân bằng, trưởng thành hơn. Bà ấy có khả năng thấu hiểu những số phận đau khổ".
Năm 1997, Diana qua đời do tai nạn ôtô. Dù ngắn ngủi, những gì bà đã làm để nâng cao hiểu biết về rối loạn ăn uống cho đến nay vẫn không bị lãng quên.