Khắc họa thí nghiệm khoa học chứng minh những đặc tính của chân không, bức tranh hoàn thành năm 1786 của họa sĩ Joseph Wright cũng có thể là hình ảnh trực quan đầu tiên về bệnh viêm bì cơ. Đây là căn bệnh viêm nhiễm hiếm gặp ở cơ, da và mạch máu. Những triệu chứng lâm sàng của bệnh được mô tả vào cuối thế kỷ 19.
Bức tranh trưng bày tại bảo tàng Tate Britain ở London, Anh, được công nhận rộng rãi như một cột mốc nghệ thuật phản ánh thời kỳ Khai sáng khởi đầu cho quá trình tiếp cận khoa học của xã hội hiện đại. Tác phẩm mô tả sinh động nhà khoa học giống như một phù thủy đang bơm khí ra khỏi chiếc bình với con vẹt mào bên trong, bao quanh là những khán giả chăm chú theo dõi.
Khung cảnh dưới ánh nến cho thấy khoảnh khắc khi người thực hiện thí nghiệm nắm quyền định đoạt mạng sống của con chim nhỏ. Người đàn ông này nhìn thẳng về phía trước và không thể hiện chút cảm xúc nào trước con chim sắp chết.
"Trong tranh, hai người đang yêu trẻ tuổi không chú ý tới thí nghiệm vì họ đang say sưa ngắm nhìn nhau. Cùng lúc đó, một người cha an ủi hai đứa con nhỏ không thể chịu đựng cái chết của chim vẹt mào cho dù đây là một bài học về khoa học", Hutan Ashrafian, nhà phẫu thuật ở Đại học Hoàng gia London, chia sẻ phát hiện trên tạp chí Clinical Rheumatology.
Không chỉ chứa đựng ẩn dụ về vai trò của nhà khoa học và thái độ khác nhau của mọi người đối với thực tế khoa học, kiệt tác của Wright còn thể hiện triệu chứng của căn bệnh ngoài đời thực.
"Khi chúng tôi xem xét bức tranh một cách chi tiết hơn, rõ ràng nhân vật người cha bị phát ban trên da, một biểu hiện của bệnh viêm bì cơ. Những nốt sần trên tay là dấu hiệu đặc trưng nhất chỉ ra bệnh viêm bì cơ", Ashrafian nói.
Nhân vật người cha bị phát ban ở cả hai tay và mặt. Triệu chứng nốt sần đỏ phủ kín đốt ngón tay được bác sĩ chuyên khoa da liễu người Đức Heinrich Adolf Gottron mô tả lần đầu tiên năm 1931, hơn 160 năm sau khi bức vẽ của Wright ra đời.
"Thủ pháp khắc họa trong bức tranh rõ ràng và chính xác đến mức nó phản ánh sự tồn tại thực tế của căn bệnh ẩn trên nhân vật người cha", Ashrafian nhận xét.
Xem thêm: 'Bộ xương vô lo' trong bức tranh 2.400 tuổi
Phương Hoa