Independent hôm qua đưa tin, các nhà khảo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ nhận được lời khuyên tận hưởng cuộc sống từ người xưa sau khi tìm thấy bức tranh khảm 2.400 năm tuổi độc đáo thời Hy Lạp cổ đại.
Những viên gạch lát sàn được khai quật tại tỉnh Hatay ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, xếp thành hình một bộ xương nằm cạnh chai rượu và ổ bánh mì. Được gọi với tên "bộ xương vô lo", bức tranh khảm có thể nằm trong phòng ăn tối của một gia đình thượng lưu.
Theo nhà nghiên cứu Demet Kara từ Bảo tàng Khảo cổ Hatay, người tham gia khai quật, bức tranh khảm là đồ tạo tác đến từ thành phố Antioch dưới thời Hy Lạp - La Mã cổ đại. "Hai nơi rất quan trọng về mặt hoạt động xã hội đối với giới thượng lưu ở thời La Mã. Thứ nhất là phòng tắm và thứ hai là phòng ăn tối", Kara nói.
Khu vực được phát hiện lần đầu năm 2012 sau khi bắt đầu công trình xây dựng xe cáp ở Antakya. Các cuộc khai quật diễn ra sau đó nhằm tìm kiếm đồ tạo tác khác. Những viên gạch lát sàn đang được nghiên cứu chi tiết hơn. "Có một bức tranh khảm tương tự ở Italy nhưng bức tranh này có ý nghĩa bao quát hơn", Kara cho biết.
Thành phố cổ Antioch ra đời vào thế kỷ 3 trước Công nguyên. Đây là nơi đầu tiên những người theo Chúa Jesus được gọi là người Cơ Đốc giáo. Tỉnh Hatay cũng nổi tiếng với bộ sưu tập tranh khảm thời La Mã khổng lồ.
Phương Hoa