Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch xác định 5 nhóm cảng biển gồm nhóm số 1 tại miền Bắc; nhóm số 2 ở Bắc Trung bộ; nhóm số 3 gồm duyên hải Trung bộ, Nam Trung Bộ; nhóm số 4 gồm các cảng tại TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương; nhóm 5 ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hai nhóm cảng biển chủ lực là số 1 và 4. Mục tiêu đến năm 2030, nhóm số 1 có hàng hóa thông quan từ 322 đến 384 triệu tấn; kết cấu hạ tầng có từ 111 đến 120 bến cảng. Nhóm cảng biển số 4 có lượng hàng hóa từ 500 đến 564 triệu tấn; kết cấu hạ tầng 146 đến 152 bến cảng.
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng gồm vốn cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 72.800 tỷ và vốn cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ (chỉ kinh doanh hàng hóa).
Nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 là khoảng 33.800 ha, bao gồm các khu vực cảng biển, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và khu công nghiệp, logistics... Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 606.000 ha.
Quy hoạch nêu rõ đầu tư mở rộng, cải tạo nhiều dự án hạ tầng hàng hải công cộng như luồng sông Văn Úc - Nam Đồ Sơn; luồng hàng hải Hải Phòng; nạo vét luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả; nâng cấp luồng hàng hải Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo luồng hàng hải Vũng Áng cho tàu đến 50.000 DWT; nâng cấp luồng hàng hải Chân Mây cho tàu đến 70.000 DWT; mở rộng luồng Cái Mép - Thị Vải.
Về bến cảng biển, quy hoạch xác định khai thác từ bến số 3 đến bến số 8 tại cảng biển Lạch Huyện; bến Liên Chiểu, bến cảng khách du lịch, du thuyền gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; kêu gọi đầu tư bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề; đầu tư bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), Cái Mép hạ (Bà Rịa Vũng Tàu), Cần Giờ (TP HCM) và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng).
Để thực hiện quy hoạch, Chính phủ xác định các giải pháp, trong đó ban hành chính sách sử dụng nguồn thu từ việc cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng biển được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.
Đồng thời, các cơ quan sửa đổi quy định, nêu cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển theo hướng không thu phí hạ tầng đối với việc gom, rút hàng bằng đường thủy nội địa nhằm đẩy mạnh năng lực vận tải thủy nội địa, giảm áp lực cho vận tải bằng đường bộ.
Nhà nước cũng ban hành chính sách khuyến khích đầu tư cảng biển có mô hình cảng xanh, thông minh, sử dụng công nghệ và nhiên liệu sạch; bến cảng du lịch (bến khách, bến du thuyền) gắn kết chặt chẽ với vùng động lực về du lịch; ứng dụng công nghệ tiên tiến và giảm phát thải.