Trước khi được Liên Hợp Quốc chấp thuận cho mượn bản đồ, Campuchia phải ký thỏa thuận gồm 23 điểm, The Cambodia Herald hôm nay dẫn lời Thủ tướng Hun Sen phát biểu tại Viện Giáo dục Quốc gia Campuchia. 18 tấm bản đồ sẽ được chuyển tới Campuchia vào ngày 18/8. Buổi lễ bàn giáo sẽ diễn ra sau đó hai ngày.
Theo ông Hun Sen, chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ mời từ ít nhất 35 đại diện từ ba đảng chính trị, Thượng viện, quốc hội, Hội đồng Thẩm phán Tối cao, Hội đồng Hiến pháp Campuchia và Học viện Hoàng gia Campuchia đến xác thực các bản đồ.
Ông Hun Sen hôm 6/7 đề nghị Liên Hợp Quốc cung cấp những bản đồ gốc Campuchia gửi tổ chức này lưu trữ năm 1964 nhằm kiểm tra tính xác thực của bản đồ Phnom Penh đang sử dụng để xác định biên giới với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết tổ chức này chưa tìm thấy tấm bản đồ tỷ lệ 1:100.000 do Cơ quan Địa lý Đông Dương phát hành trong giai đoạn từ năm 1933 đến năm 1953 mà Campuchia gửi lưu trữ. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc đang lưu giữ một số bản đồ Phnom Penh có thể quan tâm.
"Thư viện Dar Hammarskjold của Liên Hợp Quốc, vì lý do chính sách, không thể cho mượn bản đồ đang được lưu trữ tại đây. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc nhất trí thư viện, trong trường hợp ngoại lệ, có thể cho mượn bản đồ trong thời gian giới hạn", ông Ban viết trong thư gửi Thủ tướng Hun Sen hôm 5/8.
Ông Hun Sen cho biết những tấm bản đồ sẽ giúp Campuchia "tránh và chấm dứt phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan" trong thư cảm ơn Tổng thư ký Ban.
Đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) nhiều lần cáo buộc chính phủ Campuchia sử dụng những tấm bản đồ do Việt Nam vẽ ra trong những năm 1980. Ông Un Sam An, nghị sĩ đảng CNRP, hồi đầu tháng 7 đã giẫm chân lên và có lời lẽ xuyên tạc bản đồ quốc gia, được Liên Hợp Quốc công nhận và dùng trong hoạt động phân định biên giới giữa Campuchia với Việt Nam.
"Tôi không thể chấp nhận lời cáo buộc chính phủ dùng bản đồ giả mạo", ông Hun Sen nói hôm 7/8, đồng thời kêu gọi CNRP trình bản đồ họ đang sở hữu để chính phủ và ủy ban các vấn đề biên giới xác thực.
Ông Sok Touch, lãnh đạo Nhóm Nghiên cứu Biên giới Campuchia thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, hôm 9/8 xác nhận cả hai bản đồ đều có chung một nguồn gốc.
"Nó được sản xuất năm 1925 và tái bản vào năm 1952. Các tọa độ đều giống nhau", ông Sok Touch nói, đồng thời cho biết sẽ viết thư xác nhận kết quả phân tích gửi chính phủ, đảng CNRP và quốc hội Campuchia.
Như Tâm