Ủy ban gồm 11 thành viên, trong đó Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong giữ chức chủ tịch, The Cambodia Herald đưa tin.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết tổ chức này chưa tìm thấy tấm bản đồ tỷ lệ 1:1.000.000 do Cơ quan Địa lý Đông Dương phát hành trong giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1969. Trước đó Phnom Penh nêu yêu cầu mượn bản đồ loại này.
Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc đang lưu giữ một số bản đồ mà Phnom Penh có thể quan tâm và đã gửi bản sao của chúng dưới dạng kỹ thuật số cho Đại sứ Campuchia tại Liên Hợp Quốc Tuy Ry hôm 27/7. Liên Hợp Quốc chấp thuận cho mượn những bản đồ nói trên trong một thời gian nhất định.
Thủ tướng Hun Sen hôm 6/7 đề nghị Liên Hợp Quốc cung cấp những bản đồ gốc tổ chức này lưu trữ nhằm kiểm tra tính xác thực của bản đồ Phnom Penh đang sử dụng để xác định biên giới với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Ông Hun Sen khẳng định đề nghị trên là để thể hiện sự thận trọng và đúng đắn của Campuchia trong việc phân định biên giới giữa nước này với các quốc gia láng giềng.
Nhiều quan chức chính phủ, đại diện đảng phái và tổ chức phi chính phủ (NGO) thậm chí còn được ông Hun Sen mời bay tới Liên Hợp Quốc, Mỹ, Pháp và Anh để kiểm tra những bản đồ lưu trữ. Ông cho biết chính phủ Campuchia sẵn sàng chi khoảng 5 triệu USD cho các phái đoàn để chứng minh Phnom Penh đang dùng đúng bản đồ trong quá trình xác định biên giới.
"Tôi không thể chấp nhận lời cáo buộc chính phủ dùng bản đồ giả mạo", ông nói, đồng thời kêu gọi đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) trình bản đồ họ đang sở hữu để chính phủ và ủy ban các vấn đề biên giới xác thực.
Tháng trước, một số người Campuchia đã tiếp cận khu vực cột mốc biên giới với Việt Nam, gây rối và làm bị thương một số người Việt. Chính quyền Campuchia đã cam kết không để tái diễn việc này, và phối hợp cùng Việt Nam nhanh chóng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về biên giới giữa hai nước.
Như Tâm