"Chính quyền sẽ không trục xuất những người có tên trong cuộc điều tra dân số năm 2002, nhưng tất cả những người mới đến đều sẽ bị gửi trả về quê hương", Channel News Asia ngày 21/10 dẫn lời Kem Sain, phát ngôn viên Tổng cục Xuất nhập cảnh Campuchia.
Bộ Nội vụ Campuchia đầu tháng 10 thông báo sẽ tịch thu giấy tờ tùy thân "cấp sai và không đúng quy định" cho 70.000 người, đa số là người gốc Việt, trong số đó có nhiều người sinh ra và lớn lên ở Campuchia và nói ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Khmer.
Theo ông Sain, những cá nhân bị tịch thu giấy tờ tùy thân vẫn sẽ được ở lại Campuchia trong hai năm nếu họ đã đăng ký nhân thân trong cuộc điều tra dân số toàn quốc vào năm 2002. Tuy nhiên, Campuchia từng thừa nhận cuộc điều tra dân số này chỉ khảo sát tới 70% "người nước ngoài" ở quốc gia này.
Trong thời gian đó, họ có thể nộp đơn xin nhập cư nhưng không được hưởng quyền lợi như công dân Campuchia. "Chúng tôi cho họ hai lựa chọn. Họ có thể nộp đơn xin nhập cư hoặc có thể về nước. Nhưng lựa chọn này không dành cho những người đến Campuchia sau năm 2002", Sain nói.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia, Keo Vanthorn, cho biết người Việt Nam trưởng thành có thể nộp đơn xin nhập tịch Campuchia nếu họ có đủ điều kiện bao gồm có chứng nhận tư cách đạo đức tốt của chủ tịch xã hoặc phường, có giấy chứng nhận chưa bị kết án tội hình sự, có giấy xác nhận sống ở Campuchia liên tục trong thời gian 7 năm kể từ ngày được cấp phép cư trú, có nơi ở tại Campuchia vào thời điểm nộp đơn xin nhập quốc tịch, biết nói và viết tiếng Khmer, có hiểu biết nhất định về lịch sử Khmer và có bằng chứng rõ ràng là bản thân có thể sống tốt trong xã hội Campuchia.
"Với những người không có giấy tờ hợp lệ, chúng tôi coi họ là người nước ngoài sống và làm việc bất hợp pháp ở Campuchia", Uk Heisela, trưởng thanh tra của cơ quan xuất nhập cảnh, phát biểu.
"Tôi chẳng có gì mà lo lắng. Tôi cũng chẳng sợ. Nếu họ muốn trục xuất chúng tôi về nước thì kệ vậy đi", bà Tran Thi Xuyen, một người Việt sinh sống ở Akreiy Ksatr, gần thủ đô Phnom Penh, nói.
Người phụ nữ 60 tuổi này đã sống ở Campuchia 30 năm nay. Bà cho biết gia đình bà đã định cư ở đây từ thời ông nội. Chính ông bà từng bị trục xuất về nước dưới chế độ Khmer Đỏ. Dù đã nhiều lần đăng ký làm chứng minh thư nhân dân, đến nay bà Xuyen vẫn là người không có quốc tịch.
"Tôi luôn thắc mắc với chính quyền rằng tại sao họ không làm chứng minh thư nhân dân cho tôi. Họ chỉ trả lời lặp đi lặp lại rằng chưa đến lúc", bà Xuyen kể. "Anh thấy đấy, đã 30 năm trôi qua rồi".
Trước thông tin từ Campuchia, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định "cộng đồng người Campuchia gốc Việt sinh sống ở Campuchia đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Campuchia, vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ mong muốn Campuchia tiếp tục tạo điều kiện pháp lý thuận lợi và có biện pháp phù hợp để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người Campuchia gốc Việt.
Trong khi đó, chính phủ Campuchia tuyên bố sẽ tuân thủ nghiêm trình tự thủ tục khi tịch thu giấy tờ của người nhập cư.
"Chúng tôi sẽ tuân thủ theo luật pháp trong nước và quốc tế. Chúng tôi sẽ không để xảy ra tình trạng vi phạm nhân quyền", Keo Vanthorn, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia, cho biết.
An Hồng