Hiện giới chức địa phương đã bắt tay vào hành động. Ngày 15/11, hai trong số 14 con voi ở đền Angkor Wat được chuyển đến khu rừng Bos Thom gần đó.
Long Kosal, đại diện Apsara, nói những con voi còn lại sẽ được chuyển đến cùng khu rừng vào đầu năm tới. "Voi là loài to lớn nhưng rất hiền, chúng tôi không muốn thấy những con vật này bị khai thác cho các hoạt động du lịch nữa. Chúng tôi muốn chúng được sống trong môi trường tự nhiên", Kosal cho biết.
Năm 2016, một con voi tên Sambo chết tại Angkor, gây chấn động dư luận quốc tế. Cái chết của con voi được cho là do say nắng và kiệt sức vì phải chở khách liên tục. Hai năm sau, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố quần thể voi châu Á đã giảm 50% chỉ trong ba thế hệ.
Theo Angkor Enterprise, cơ quan quản lý công viên, di sản UNESCO này đang phải đối mặt với tình trạng khách du lịch suy giảm. Báo cáo mới nhất ghi nhận 1,8 triệu khách du lịch nước ngoài mua vé tham quan đền cổ từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Dù không tổ chức hay chuyên gia nào dự đoán sự ảnh hưởng từ lệnh cấm cưỡi voi của Campuchia, thực tế cho thấy ngày càng nhiều du khách và các công ty du lịch trên thế giới có xu hướng loại bỏ các điểm tham quan liên quan đến động vật. Mới đây, TripAdvisor thông báo dừng bán vé cho bất kỳ điểm đến nào nuôi nhốt cá voi hoặc cá heo, như công viên giải trí SeaWorld ở Mỹ.
Xem thêm: Sự thật tàn nhẫn sau những chuyến cưỡi voi xuyên rừng
An An (Theo CNN)