Tối 20/6, ruble Nga tăng 1,7% so với đôla Mỹ, lên 55,44 ruble đổi một USD. Đây là mức mạnh nhất kể từ tháng 7/2015. Hiện tại, tỷ giá này là 54 ruble đổi một USD.
Theo đó, mức tăng từ đầu năm của ruble hiện là gần 40%. Con số này thuộc nhóm cao nhất thế giới, bất chấp giới chức Nga đã hạ lãi suất tham chiếu thêm 1,05% và nới lỏng các quy định kiểm soát vốn được áp dụng sau khi phương Tây trừng phạt Nga.
Giới chức Nga cho biết sự phục hồi của ruble là bằng chứng cho thấy họ chống chọi tốt với các lệnh trừng phạt của quốc tế quanh vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, họ cũng ngày càng lo ngại nội tệ mạnh lên sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu và ảnh hưởng đến ngân sách.
Viêc nới lỏng quy định kiểm soát vốn của Ngân hàng Trung ương Nga không có mấy tác dụng trong việc chặn lại đà tăng của ruble. Ruble tăng giá do lệnh hạn chế giao dịch USD và nhu cầu đồng bạc xanh yếu trong bối cảnh hàng nhập khẩu vào Nga giảm mạnh.
Hôm 20/6, các quan chức hàng đầu chính phủ và ngân hàng trung ương Nga có phát biểu trái ngược nhau về mục tiêu tỷ giá đồng ruble. Phó thủ tướng Andrey Belousov nói rằng họ nên đặt mục tiêu cho đồng ruble và ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Tỷ giá tối ưu vào khoảng 70-80 ruble một USD.
Chỉ vài giờ sau, Phó thống đốc Alexey Zabotkin lên tiếng cảnh báo việc này "sẽ làm giảm tính hiệu quả và chủ động của chính sách kinh tế". Nga từng thả nổi đồng ruble tháng 11/2014. Cựu Bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin cũng cho biết nước này không thể cân nhắc mục tiêu tỷ giá.
Theo các nhà phân tích, giới chức Nga thiếu công cụ để tác động lên nội tệ, dù họ muốn làm như vậy. Việc cho phép người nước ngoài bán tài sản tại Nga sẽ khiến ruble giảm giá, nhưng về mặt chính trị, điều này không thể thực hiện, Dmitry Polevoy – một nhà kinh tế học tại Locko Bank cho biết.
Đồng ruble đã liên tục biến động sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ngày 10/3, sau khi Mỹ và EU tìm cách cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế, ruble xuống thấp kỷ lục - 121,5 ruble mới đổi được một USD. Tuy nhiên, sau khi Moskva áp dụng các chính sách buộc hãng xuất khẩu bán ngoại tệ và yêu cầu khách mua năng lượng trả bằng ruble, đồng tiền này đã tăng giá tới 118% kể từ đó.
Hà Thu (theo Bloomberg)