Theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải, từ tối 29/9, ôtô đi theo lộ trình thay thế: cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ - quay đầu tại giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương - Điện Biên Phủ - rẽ phải vào đường dân sinh bên hông cầu vượt - đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Lộ trình cho xe máy: cầu Sài Gòn - đường Điện Biên Phủ - quay đầu tại ngã tư Hàng Xanh - Điện Biên Phủ - hẻm 602 Điện Biên Phủ (đường D1 nối dài) - Nguyễn Hữu Cảnh.
10 ngày trước, khi đào thăm dò, cơ quan chức năng phát hiện các bó cáp của cầu bị đứt tại nơi giao cắt với cống hộp của hệ thống thoát nước ở dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh cắt ngang. Từ ngày 24/9, xe tải và ôtô trên 16 chỗ bị cấm chạy qua cầu vượt; ôtô con và xe máy vẫn được lưu thông.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP HCM), cho biết vài ngày đầu khi mới phát hiện cầu vượt đứt cáp ngầm, qua ý kiến một số chuyên gia, sở chỉ cấm xe lớn, tải trọng cao. Sau đó, cơ quan chức năng đã tính toán giới hạn chịu tải của cầu và quyết định cấm tất cả các loại xe để đảm bảo an toàn.
Theo một chuyên gia chuyên ngành cầu đường thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, hệ thống cáp ở cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh có tác dụng là dây chằng cố định phần móng trước áp lực tải trọng phía trên. Đây cũng là phần quan trọng giúp công trình chịu lực. Khi đường cáp bị đứt nếu vẫn tiếp tục khai thác dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi cầu bị nghiêng dần trước tải trọng xe chạy phía trên.
Để khắc phục sự cố, hôm qua Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM đề xuất nối lại và bao bọc an toàn hệ thống cáp dự ứng lực ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh; đồng thời sửa toàn diện các hư hỏng trên cầu.
Nằm trên trục giao thông chính kết nối khu đông vào trung tâm TP HCM, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn 600 m, rộng gần 13 m, trọng tải 30 tấn, đưa vào khai thác cách đây 20 năm. Công trình từng bị hư hỏng nặng năm 2017, được sửa với kinh phí hơn 12 tỷ đồng.
Gia Minh