Thứ nhất, nếu cấm xe máy, số lượng xe hơi sẽ tăng nhiều lần. Tôi là người bình thường không giàu nhưng khả năng mua xe hơi với tôi không khó. Điều này cũng không khó với phần đông đồng nghiệp của tôi. Chúng tôi làm ở văn phòng nước ngoài có 10 nhân viên tính cả một sếp nước ngoài (người này đi taxi vì không biết đi xe máy), trong đó lương tôi thấp nhất 15 triệu. Nếu cấm xe máy, 8 người còn lại trong văn phòng tôi chắc chắn sẽ mua xe hơi.
Thứ hai, cấm xe máy để xe công cộng phát triển, phủ khắp đường phố. Nghĩ đến đây tôi mà rùng mình, xe bus tăng thêm số lượng, xe hơi tăng thêm số lượng, với chất lượng đường tại Việt Nam như hiện nay liệu có đủ khả năng đáp ứng? Còn tàu điện trên cao, cho là đủ vốn đi, xây nhanh nhất cũng mất 2-3 năm. Nhưng mỗi lần xây là lại chiếm dụng mặt đường. Như vậy, vừa tăng số lượng xe hơi xe công cộng vừa chiếm dụng mặt đường để xây dựng, lại gây ùn tắc giao thông.
Thứ ba, đừng xem nhẹ lợi ích kinh tế của xe máy. Tôi lấy ví dụ, nếu cấm xe máy, muốn đi lấy một món đồ ở Đồng Nai sát bên TP HCM hay ăn một tô hủ tíu thì có lẽ chi phí lên tới cả 100.000 đồng, lúc đó mới thấy giá trị tiện dụng của chiếc xe máy.
Tại sao phải nhất định cấm xe máy mà không thể phát triển, định hướng hòa hợp với nó. Xu thế phát triển là tùy thuộc theo điều kiện mỗi quốc gia. Việt Nam đất chật, người đông, tôi thấy xe máy vẫn là phương tiện phù hợp nhất. Tôi vẫn ủng hộ phát triển giao thông công cộng, giãn dân ra khỏi trung tâm, chấp nhận di chuyển khó khăn để nhường đường cho xe buýt hay cho việc xây dựng tàu điện nhưng việc cấm xe máy tôi thấy nó hoàn toàn bất khả thi với mọi nẻo dường Việt Nam.
Độc giả Nghi Tran