Gia đình tôi rời miền Trung vào Nam những năm 1980, ra đi để mong thoát khỏi sự cơ cực đã đeo bám bao đời cái vùng đất nghèo nàn và cằn cỗi ấy. Bố tôi là sĩ quan phục viên, nên được ưu đãi cấp một căn hộ trong khu chung cư cũ từng là khu gia binh chế độ miền Nam Việt Nam trước đây. Nói căn hộ, chứ thực ra đó là căn phòng nhỏ hẹp, cuộc sống chỉ trông chờ vào những việc làm chân tay của bố mẹ để nuôi 6 miệng ăn gia đình tôi khi ấy. Cái nghèo khó chung của thời kỳ bao cấp, bao trùm lên toàn bộ khu tập thể, cái ao rau muống um tùm dưới chân khu nhà chính là nơi mọi người thường xuyên hái về để chế biến hai món canh, luộc cho bữa ăn hàng ngày. Bố mẹ tôi hay kể như vậy, vì khi tôi lớn lên thì tất cả đã không còn như cũ nữa, nhưng tôi hiểu cái khó khăn của một đời người, nó chưa bao giờ hết được đặc tả trên gương mặt bố mẹ tôi - những vết hằn tôi đã thấy gần 30 năm nay rồi.
Sinh ra từ trong đói nghèo, ông nội tôi mất chỉ có mảnh chiếu cuốn vào rồi chôn cất, như thế đã may cho một gia đình nghèo đội sổ địa phương như nhà ông bà nội tôi. Gần 70 năm cuộc đời, không có cực khổ nào mà bố tôi chưa từng trải qua, hoàn cảnh đã trui rèn nên tính cách của bố tôi - ông dễ đồng cảm và luôn đau đáu với mọi nỗi đau của nhân sinh. Suốt cuộc đời, ông đã giáo dục chúng tôi bằng những hành động và sự chia sẻ đầy lạc quan của mình, ông dạy chúng tôi biết yêu thương và trắc ẩn trước những hoàn cảnh còn khốn khó hơn mình. Chúng tôi đã đi từ vô thức tới ý thức bởi những lời dạy dỗ của ông, những giá trị trong sáng cứ thế mà thấm đẫm vào trí óc cho đến khi chúng tôi trưởng thành. Ông luôn dành cho chúng tôi sự tin tưởng và lòng bao dung trọn vẹn nhất của một người cha, luôn nâng đỡ chúng tôi trước mọi khó khăn chúng tôi gặp phải bằng sự lạc quan lạ lùng.
Mẹ tôi, người phụ nữ được gã cho bố tôi sau một tuần quen nhau, đúng ra là mẹ đã không có nhiều lựa chọn cho mình khi ấy. Nếu được lựa chọn, có lẽ mẹ tôi sẽ theo sự sắp đặt của tổ chức cho đi học và trở thành một hạt giống đỏ cũng nên? Và mẹ trở thành một nữ trí thức sáng giá phục vụ cho quê hương sau này? Mẹ là một trong số ít các thanh niên của địa phương khi ấy nằm trong diện được lựa chọn. Nhưng số mệnh không thể đổi, bà đã gắn cuộc đời với bố tôi tới hôm nay, gần 50 năm, niềm vui có nhiều, buồn khổ và cô đơn cũng lắm, có lẽ đức hạnh truyền thống của một người phụ nữ miền Trung đã giúp bà sống trọn vẹn đến vậy.
Sau khi cưới, bố sang Lào chiến đấu, mẹ một tay chăm bà nội và ông anh của tôi, sự cô đơn đằng đẵng của một người phụ nữ trẻ xa chồng dường như là sự cô đơn đến túng quẫn cho tinh thần nhất. Nó pha lẫn cả sự bi ai với phận của người con dâu với mẹ chồng, nhiều đắng cay mẹ tôi cũng chịu, lời ca thán không biết tỏ cùng ai, chỉ biết tự động viên, cần mẫn làm để nuôi gia đình. Cũng như bố tôi, cuộc đời mẹ niềm vui ít hơn nỗi buồn, thong dong được mấy gang tấc không đủ khỏa lấp sự vất vả cả đời, lẽ vì thế nên mẹ rất hiểu những con người đã sống và lớn lên trong nỗi cơ cầu.
Là người phụ nữ trong gia đình, cả cuộc đời hầu như tâm lực của bà chỉ dành cho chồng, con và giữ gìn hạnh phúc trọn vẹn, sự cống hiến lặng lẽ của bà để nuôi chúng tôi khôn lớn. Tất cả đổi lại chính là chi chít vết nhăn nheo trên khóe mắt và đôi tay người phụ nữ ấy cùng sự biết ơn vô hạn của cha con chúng tôi đối với bà. Bà đã chấp nhận là người phụ nữ trong gia đình hơn là xây dựng thành tựu và cống hiến cho xã hội.
Anh em chúng tôi cứ được nuôi dạy như vậy và lớn lên, đến khi cuộc sống gia đình đã có nhiều thay đổi tích cực, chúng tôi mới có thể nghiệm lại những gì đã qua đi trong suốt dòng chảy cuộc sống gia đình từ ấy tới giờ. Thuở nhỏ, tôi từng hỏi bố là vì sao được nhà nước ưu đãi và thăng tiến công việc mà bố không chọn, lại bỏ hết để đưa gia đình vào Nam lập nghiệp, ông chỉ lắc đầu và cười bỏ lửng... Sau này tôi hiểu, đó không phải là mục tiêu cuộc sống của ông, ông coi thường chúng, mà nếu vậy thì có lẽ anh em chúng tôi đã khác đi rồi, sa đọa vì đồng tiền, có thể lắm chứ!
Những đứa con luôn thầm cảm ơn ông bà vì những năm tháng ấy của cuộc đời đã làm cho chúng tôi. Hành động và thái độ sống của chúng tôi thì ông bà cũng hiểu. Chúng tôi có thể không tốt đẹp như thế, nhưng đã sống xứng đáng với với phẩm giá của ông bà. Bài viết này xem như một lần nữa xin được cảm ơn bố mẹ đã sinh ra chúng tôi, cho chúng tôi là người có hiểu biết và yêu thương mọi người.
Nguyễn Quốc Minh