Kế hoạch trên vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đưa ra, thực hiện trong giai đoạn 2023-2024. Việc cắm mốc sẽ dựa theo chỉ giới trên bản đồ địa chính để xác định phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch, sau đó mới triển khai thực địa.
Trong đó, sông Sài Gòn là tuyến lớn nhất được cắm mốc trên chiều dài gần 72 km, từ khu vực cầu Bình Phước (TP Thủ Đức) đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh.
Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt đầu từ Bình Phước sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và TP HCM. Đoạn sông chảy qua TP HCM dài khoảng 80 km được ví như "dải lụa mềm" uốn lượn trong lòng thành phố tạo ra những bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm. Tuy nhiên, hiện rất nhiều khu vực bờ sông bị lấn chiếm, ảnh hưởng lớn đến phát triển đồng bộ toàn tuyến sông. Một số con hẻm gần bờ sông cũng bị ngăn lại thành đường nội khu của các dự án, khu biệt thự, nghỉ dưỡng.
Ngoài sông Sài Gòn, một số tuyến sông khác cũng được cắm mốc như: Soài Rạp dài gần 60 km; sông Lòng Tàu dài 32 km và hơn 7 km sông Đồng Nai. Ngoài ra, hàng loạt kênh, rạch khác cũng được thành phố cắm mốc hành lang bảo vệ như rạch Tôm, kênh Cây Khô, rạch Bà Lớn...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông, kênh rạch... nhằm làm cơ sở kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm. Việc này cũng sẽ tạo quỹ đất để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến như: đường giao thông, công trình thoát nước, điện... Ngoài ra, mốc bảo vệ hành lang các tuyến sông, rạch cũng giúp chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định tọa độ, lộ giới khi xây dựng công trình.
Trước đây, UBND TP HCM đã ban hành hai quyết định vào năm 2004 và 2017 về quản lý, sử dụng hành lang ven bờ sông, kênh rạch. Trong đó, hành lang bảo vệ các tuyến lớn ở thành phố hiện quy định mỗi bên bề rộng 30-50 m, tuỳ đoạn. Tuy nhiên, nhiều công trình đã xây từ nhiều năm trước khi có quy định, dẫn đến nhiều tuyến hành lang an toàn không đồng đều. Trong khi đó, tình trạng xây dựng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch ở thành phố cũng diễn ra phổ biến suốt nhiều năm qua.
Gia Minh