Như thường lệ, trước đi bắt đầu một ngày làm việc mới tôi thường ghé quán cafe quen tranh thủ vừa ăn sáng vừa làm cốc cafe cho tỉnh táo. Hôm nay chị chủ mời tôi thử món cafe mới, rất sẵn lòng, tôi thưởng thức ly cafe béo ngậy thơm tho. Chị hỏi: "Chú thấy có gì đặc biệt không?". Ly cafe muối hôm nay quả là đậm đà hơn mọi ngày. Chị bảo: "Tôi đã thêm một chút rượu sữa vào đấy".
Tôi đứng hình sau vài giây và bỗng nhiên thấy ly cafe đắng ngắt. Kế hoạch ngày hôm nay của tôi là lái xe đến cơ sở nghiệm thu sản phẩm cách khoảng 60 km. Nếu quả là trong ly cafe kia có "một chút" rượu đồng nghĩa với việc tôi không thể tiếp tục lái xe. Xe của tôi thì vẫn còn đỗ ngay trước cửa hàng cafe của chị và nhất thời tôi chưa nghĩ ra được giải pháp nào. Đành rằng nếu chỉ là rượu pha thì không nhiều, sẽ tan nồng độ sớm, nhưng biết bao lâu là sớm, bao lâu để ngồi đợi. Chẳng may lái xe tới ngã tư trước mặt, rẽ phải, có chốt kiểm tra, tôi biết giải thích ra sao?
Trước đó, vào một lần khác, buổi tối sau khi xong hết công việc, vợ chồng tôi uống chút bia trong bữa ăn như một thói quen. Tôi vừa chạm cốc với vợ, cả hai làm một hơi non nửa cốc bia, thì con gái đột nhiên kêu bị đau bụng dữ dội. Vì lỡ uống một ngụm bia nên tôi hay vợ đều không thể lái xe hay đi xe máy đưa con đi bệnh viện. Chúng tôi buộc phải gọi xe dịch vụ. Ngày hôm đó trời mưa, khó khăn lắm gia đình mới gọi được một chiếc xe, mỗi phút chờ đợi nhìn con tôi quằn quại ôm bụng mà nhăn nhó tôi thấy bất lực. Sau đó, cháu được chuẩn đoán là viêm ruột thừa cấp, cũng còn may là gọi được xe đến viện kịp thời.
Qua những trải nghiệm trên, cá nhân tôi cho rằng việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là quá nghiêm khắc và chưa phù hợp. Có những tình huống buộc người ta phải lựa chọn vi phạm luật. Bản thân tôi đã cố gắng hết sức để tuân thủ luật nhưng quả thật đã rơi vào tình huống dở khóc dở cười nên cảm thấy không phục.
Nếu có thể cân nhắc, tôi nghĩ nên nới phạm vi xử lý nồng độ cồn để những trường hợp vô tình dính phải lỗi này như uống nhầm ly cafe, nước quả lên men hay thậm chí một số loại thuốc bắt buộc phải có chất dẫn là cồn vẫn có thể tham gia giao thông trong tình huống cần thiết. Tôi nghĩ nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện, vì tôi cho rằng một chút xíu nồng độ cồn cũng không thể là nguyên nhân gây nên được tai nạn giao thông.
Độc giả Vũ Vũ