Mặc dù vẫn còn những khoảng tối như lạm phát cao, thâm hụt thương mại khá lớn, theo đánh giá của WB, năm 2007 đánh dấu sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế VN trên nhiều lĩnh vực như tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài, hay xuất khẩu...
Để tiếp tục duy trì và đẩy nhanh tốc độ phát triển đó, VN có nhu cầu lớn về vốn đầu tư để tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như điện, cơ sở hạ tầng, nâng cấp giáo dục đại học và cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo đánh giá của WB, GDP bình quân đầu người của VN tăng khá nhanh, từ dưới 200 USD mỗi người vào năm 1993 lên tới 835 USD năm 2007. Theo nguyên tắc, khi đã trở thành nước có thu nhập trung bình (trên 1.000 USD đầu người mỗi năm), VN sẽ không còn được hưởng các khoản vay ưu đãi ODA nữa.
Tuy nhiên, ông Ajay Chhibber cho biết, vẫn cần khoảng 5 năm nữa VN mới có thể đạt được mức thu nhập trên. Do đó, ít nhất trong 3 năm tới, VN vẫn cần nhiều vốn ODA để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị CG tháng 12 năm ngoái, các nhà tài trợ cam kết ủng hộ con số kỷ lục 4,44 tỷ USD để hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo và phát triển của VN.
Cũng tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị CG chiều nay, chuyên gia kinh tế trưởng WB Martin Ramar cho biết, một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán VN. Nếu như năm ngoái, tỷ lệ vốn hóa của thị trường chứng khoán mới chiếm hơn 20% GDP thì giờ đã lên tới 40%. Tốc độ tăng trưởng này, theo ông Martin, rất ấn tượng. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, bất kỳ sự tăng trưởng quá nhanh nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ. "Thị trường chứng khoán nếu tăng trưởng quá nhanh sẽ giống như người đi xe máy với tốc độ 200 km/h mà không đội mũ bảo hiểm. Để thị trường này phát triển bền vững, và trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, VN cần có cơ chế quản lý tốt", vị chuyên gia của WB nhấn mạnh. |
Hà Vy