Sáng nay, tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mekong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chưa bao giờ lưu vực sông Mekong đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Nhu cầu gia tăng về tài nguyên cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là năng lượng và lương thực đã tạo áp lực ngày càng lớn với môi trường sinh thái trong lưu vực sông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mekong sáng 5/4. Ảnh: Hữu Công
Lưu vực sông Mekong đã thành một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất. Theo người đứng đầu Chính phủ, dòng chảy trung bình năm tại trạm Chiềng Sen giảm 10% trong vòng 30 năm qua. Ở Lào, đoạn chảy qua thủ đô Viên Chăn 10 năm qua khô hạn đến mức có thể lội qua trong mùa khô. Ở Thái Lan, sông Chao Phraya vốn hiền hòa đã xảy ra lũ lớn, gây ra thảm họa lũ lụt quốc gia trong nhiều tháng liền vào năm 2011.
Ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước mặn đã vào khu vực Tân Châu, Châu Đốc (tỉnh An Giang), điều chưa bao giờ xảy ra trước đây. Những tác động này càng trở nên nghiêm trọng hơn, cấp thiết hơn trong bối cảnh các quốc gia ven sông tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, trong vòng 100 năm tới nước biển ở Việt Nam sẽ dâng cao một mét, làm mất 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 10% dân số.
Thủ tướng cho rằng để ứng phó với những thách thức đó, bên cạnh nỗ lực của mỗi quốc gia cần tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt giữa các quốc gia ven sông, thông qua những cơ chế đa phương, cơ chế tiểu vùng như Ủy hội sông Mekong quốc tế. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc và Myanmar; đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để giúp triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Ủy hội trong giai đoạn tới.

Ngoài 4 nước thành viên là Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia, hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong lần thứ 2 còn có sự tham dự của Trung Quốc, Myanmar cùng nhiều nước và tổ chức quốc tế. Ảnh: Hữu Công
Về việc Lào chuẩn bị triển khai thủy điện Don Sahong - công trình được khuyến cáo sẽ gây tác động môi trường vô cùng nghiêm trọng và tiêu cực, tại cuộc họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Minh Quang cho biết Việt Nam và Campuchia đã đề nghị Lào cần tham vấn của các nước thành viên trong Ủy hội sông Mekong theo Hiệp định 1995, vì công trình nằm trên dòng chính sông Mekong.
"Việt Nam và Campuchia cũng đã đề nghị Lào đợi đến sau khi kết quả Nghiên cứu về tác động dòng chính trên sông Mekong do Việt Nam chủ trì kết thúc vào năm 2015 và có kết quả cụ thể về các bậc thang trên dòng chính sông Mekong như thế nào thì mới xây dựng", ông Quang nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết Việt Nam mong muốn Lào phát triển, tuy nhiên, theo quan điểm của Việt Nam và Campuchia, sự phát triển trên dòng chính trên sông Mekong, nhất là thủy điện phải tuân thủ những quy định của Ủy hội sông Mekong, không để ảnh hưởng hay có tác động tiêu cực lên các nước hạ nguồn.
Theo ông Ngọc, phía Lào quan tâm và ghi nhận những ý kiến lo ngại của Việt Nam và Campuchia và cho biết trong quá trình triển khai công trình trên dòng chính sẽ cân nhắc rất kỹ những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra với Campuchia và Việt Nam.
Kết thúc phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mekong, đại diện nước chủ nhà, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc "Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh" tiếp tục cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các thành viên, tăng cường vai trò của Uỷ hội sông Mekong quốc tế hướng tới mục tiêu quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng trong lưu vực sông Mekong. Tuyên bố xác định 6 lĩnh vực hoạt động ưu tiên và 6 định hướng cho hoạt động hợp tác của Ủy hội tại giai đoạn tới, trong đó tập trung tăng cường thực hiện các Thủ tục của Uỷ hội, rà soát cập nhật các kế hoạch chiến lược, đẩy mạnh các dự án nghiên cứu đánh giá tác động, các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu và giảm nhẹ các rủi ro đối với hệ sinh thái sông Mekong. |
Hữu Công