Hội nghị cấp cao lần hai của Ủy hội sông Mekong quốc tế gồm 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Hai đối tác đối ngoại là Trung Quốc và Myanmar cũng tham dự.
Theo Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thái Lai, Việt Nam và các thành viên Ủy hội mong muốn Trung Quốc, Myanmar gia nhập và tham gia Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. "Đó là mục tiêu mà tất cả ủy viên đều mong muốn", ông Lai khẳng định.
Vị Thứ trưởng cho biết, dưới áp lực về tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội, các dự án thủy điện, tưới tiêu, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, giao thông thủy... đã phát triển mạnh mẽ trên dòng chính và dòng nhánh.
Bên cạnh lợi ích mang lại, các dự án này cũng ảnh hưởng bất lợi với môi trường sinh thái, chất lượng nước... Cùng với đó, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng làm thay đổi chế độ mưa, dòng chảy trong lưu vực.
Hội nghị cấp cao lần hai sẽ tiếp tục thể hiện ý chí và cam kết chính trị của lãnh đạo các quốc gia thành viên Ủy hội để hợp tác vượt qua khó khăn, thách thức và hướng tới phát triển bền vững.
Về những vấn đề còn khác biệt giữa 4 nước liên quan tới đập thủy điện Xayaburi mà Lào đã xây và đập Don Sahong cùng 8 đập thủy điện sẽ xây trong tương lai, ông Lai cho biết, các nước tiểu vùng sẽ cùng nhau bàn bạc trao đổi và các bộ trưởng tiếp tục tính toán các phương án tối ưu. "Tôi chắc chắn rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này, Thủ tướng của 4 nước sẽ có những quyết định để chỉ đạo quá trình khai thác thủy điện sao cho bền vững", ông Lai khẳng định.
Hội nghị cấp cao lần hai của Ủy hội sông Mekong kéo dài từ 2/4 đến 5/4. Ngày cuối của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu và trình bày "Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh".
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế được tổ chức lần đầu vào năm 2010 tại Thái Lan. Hội nghị này đã ra Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực Mekong và thành lập Uỷ hội sông Mekong quốc tế. Đây là dấu mốc quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên Uỷ hội. Trung Quốc và Myanmar dù cũng thuộc lưu vực sông Mekong nhưng không tham gia Hiệp định và không gia nhập Uỷ hội, mà chỉ là đối tác đối thoại.
Sông Mekong bắt nguồn từ phía đông của cao nguyên Tây Tạng đến Đồng bằng sông Cửu Long, là con sông lớn thứ mười trên thế giới với tổng diện tích lưu vực 795.000 km2, là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo, phong phú và dồi dào. Sông là nơi sinh sống của hơn 20.000 loại thực vật và hơn 850 loài cá. Nền kinh tế hạ lưu sông Mekong đang có sự tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, 60 triệu người ở hạ lưu đang có mức tăng trưởng dân số nhanh, tạo áp lực lớn về tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất nông nghiệp, đô thị hóa, công nghiệp hóa, điện và sản xuất lương thực. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khu vực nhanh chóng, nhiều người vẫn sống trong điều kiện nghèo đói, ít được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường, thiếu cơ hội việc làm, không có đủ thực phẩm hoặc điện. |
Trung Sơn