Đó là một đêm mùa đông năm 2020, khi đang ôm con chìm vào giấc ngủ, Trần Loan thấy số lạ gọi đến. Chị chần chừ nhưng quyết định nghe máy. "Em à, anh gặp tai nạn rồi... em xuống với anh được không?", giọng nói từ đầu dây bên kia là Quang Hưng - người chồng đã ly thân và không liên lạc suốt hơn hai năm qua.
Ban đầu Loan nghĩ đây có thể là trò đùa của chồng cũ. Nhưng không thể yên lòng chợp mắt, chị gọi lại. Lúc này, người lạ cầm máy xác nhận anh Hưng bị tai nạn nghiêm trọng. Khi họ hỏi số điện thoại người nhà, anh chỉ nhớ ra số của chị. Người phụ nữ 31 tuổi run rẩy cầm điện thoại gọi điện cho người thân của anh, rồi đánh thức con cùng vào viện.
Chị Loan bế con theo xe đến bệnh viện tỉnh Hòa Bình, đến nơi mới biết anh Hưng đã được chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Đêm đó, chị không ngủ, miên man nghĩ về những ngày đã qua...
Chị Loan và anh Hưng kết hôn hơn một năm, trước khi anh lâm cảnh nợ nần. Nhiều lần cùng chồng trả nợ, nhưng anh không sửa đổi, chị Loan quyết định ly dị. Lá đơn viết ra, người chồng không ký, chị chọn ly thân. Lúc đó, bé Min mới hơn một tuổi. Hàng tuần, anh Hưng sang đón con về nhà nội chơi, tránh nhìn vào mắt Loan hay trò chuyện.
Người phụ nữ quê Hà Nam chẳng có người thân, bạn bè nào ở quê chồng nên đành bế con dọn ra một nhà trọ rẻ tiền. Loan đẩy mạnh tương tác trên mạng xã hội để phát triển việc buôn bán online. Biết hoàn cảnh của chị, các mối hàng cho Loan bán trước, trả tiền sau. Theo thời gian, Loan quen dần cuộc sống của mẹ đơn thân, nhưng bé Min vẫn thường hỏi chị "Sao bố không về ở cùng con?".
"Là một người mẹ đơn thân, tôi luôn nỗ lực để con có cuộc sống không thiếu thốn về vật chất. Nhưng tôi biết, dù mình có cố gắng cỡ nào cũng không thể khỏa lấp khoảng trống trong lòng con khi vắng bố", chị nói.
Những ngày Quang Hưng hôn mê, Loan càng lo lắng hơn về "khoảng trống" đó. Chị sợ nếu điều không may xảy ra, con trai sẽ không còn đủ bố mẹ. Đứng ở hành lang bệnh viện chờ đợi, chứng kiến một người vợ đang mang bầu phải vĩnh biệt chồng sau tai nạn giao thông, mọi oán giận hai năm qua trong Loan bỗng tan biến. Chị quyết định tha thứ cho chồng, vực anh trở lại. "Khi đứng giữa lằn sinh tử, mọi thứ khác đều trở nên vô nghĩa", chị tự nghĩ.
Loan được bác sĩ cho vào gặp chồng trong phòng hồi sức tích cực. Nhìn thấy chồng với đủ loại máy móc quanh người, hai tay gãy, chân gãy nhiều đoạn, dập nội tạng, mất máu nhiều và viêm phổi nặng sau phẫu thuật, chị ghé vào tai chồng thủ thỉ: "Anh cố lên, trở về với mẹ con em!". Hưng nhắm mắt, nhưng nước mắt chảy dài. Bàn tay phủ đầy dây dợ cứ nắm chặt tay vợ.
Sau bảy ngày, kỳ tích xảy ra khi anh thoát khỏi cửa tử, được chuyển xuống phòng điều trị bình thường. Chị đứng bên giường anh, cứ thế khóc òa vì mừng. Hưng luôn miệng nói: "Anh xin lỗi". "Khi mở mắt ra, nhìn thấy cô ấy ở bên, tôi như đứa trẻ con được người thương yêu bao bọc. Cảm giác ăn năn vì làm khổ vợ con cũng trỗi dậy trong tôi", người đàn ông 30 tuổi nói.
Kể từ hôm đó, Loan bắt đầu chuỗi ngày ngày bắt xe từ Hòa Bình xuống Hà Nội chăm chồng. Mỗi sáng chị dậy trước năm giờ, nấu cơm sáng cho hai mẹ con, chuẩn bị cơm tối đặt vào tủ lạnh, rồi gửi con đến trường. Sau đó, chị bắt đến viện, cùng người thân của chồng chăm anh, chiều lại bắt xe về.
Không mấy ai phản đối chuyện chị bỏ ra hai tháng chăm sóc người chồng "chờ ly hôn" nhưng quyết định đón anh về phòng trọ sau khi ra viện lại liên tục vấp phải những lời can ngăn của những người quen biết. "Bỏ nhau đến hai năm rồi, giờ tự nhiên mang cục nợ về", "Tại sao phải tự đày đọa mình vì một người không còn yêu thương?"... Loan chỉ đáp: "Vì dù sao em với anh ấy vẫn là vợ chồng. Vì anh ấy là cha của con em".
Ban ngày, chị lo nấu ăn, săn sóc chồng, đưa con đến lớp rồi tranh thủ đóng gói, giao hàng. Chỉ cao 1,5 mét, nhưng hàng ngày chị phải xốc, bế anh chồng cao 1,8 mét đứng lên, ngồi xuống, nâng nhấc khi đi vệ sinh. Đang chăm chồng thì con khóc, khách gọi giao hàng, nhiều lúc chị sinh ra cáu kỉnh, than mình khổ. Những lúc đấy, cảm giác có lỗi đè nặng lên Hưng.
"Ngày cũng như đêm, cô ấy đều như phải vắt chân lên cổ mà chạy. Tôi im lặng để cơn giận của vợ nguôi đi. Vợ cáu thế thôi nhưng tôi biết nếu không tốt thì chẳng đời nào cô ấy đón tôi về", Quang Hưng nói.
Quốc Anh, em trai anh Hưng thi thoảng lại tạt qua phòng trọ anh chị phụ giúp trong những ngày anh trai bệnh nặng. Cậu thường xuyên thấy cảnh chị dâu xốc anh trai mình đi vệ sinh, tắm rửa. "Chị dâu thì nhỏ mà anh tôi thì to cao. Chị cứ vừa làm vừa động viên, dỗ dành anh làm tôi nể phục và rất thương chị. Tôi mong anh trai sau lần này biết trân trọng hơn tổ ấm đang có", cậu em trai 21 tuổi, nói.
Khi vợ xốc ngồi xe lăn, Hưng quằn quại đau đớn, chị lại động viên "Anh ngồi được em sẽ đỡ vất vả", anh lại cố. Lúc tập ngồi bồn cầu, chân phải co lại đau đớn, Hưng lắc đầu: "Anh không chịu được". Loan dỗ dành: "Anh cố chút, anh tự đi vệ sinh được, em sẽ đỡ vất vả". Hưng lại nén đau tập luyện.
Sự cố gắng của chồng, đặc biệt là thay đổi của bé Min tiếp thêm sức mạnh cho Loan. Chị thấy con từ cậu bé chậm nói, phải trị liệu giờ líu lo bên giường bố kể đủ thứ chuyện ở trường. Cậu bé cười nhiều hơn, chứ không cúi gằm như trước.
Tháng trước, trong phòng trọ nhỏ, khi đồng hồ đã điểm 11h khuya, chồng bát đĩa vẫn chất đầy bồn, Loan định vào nhà vệ sinh rồi quay ra rửa. Nhưng khi ra, chị đã thấy chồng đứng một chân, dùng cái tay khỏe rửa bát. Cô vợ cản, nhưng Hưng không chịu. "Giờ anh đã đi lại, sinh hoạt nhẹ nhàng được rồi, để anh làm. Em đi tắm rồi nghỉ ngơi". Từ hôm đó, giấc ngủ của Loan dài thêm 30 phút. Tình yêu dần trở lại trong căn phòng nhỏ.
Sắp tới, anh Hưng mổ lấy nẹp, đi lại, sinh hoạt sẽ thuận tiện hơn. Anh tâm sự, rơi vào cảnh toàn thân bất động nhưng chưa từng có ý định buông xuôi. Hàng ngày, chứng kiến sự nỗ lực của vợ, Hưng chỉ muốn nhanh khỏe để bù đắp cho chị. Anh nhận ra hơn ba năm sống chung, chỉ lúc ốm đau mới gần gũi vợ con nhất.
"Anh cảm ơn em. Em đã không bỏ anh trong lúc anh khó khăn nhất và thay anh bù đắp cho con đến hôm nay. Anh sẽ khỏe lại, để cùng em xốc vác gia đình, cùng em vun đắp cho nhà mình đầm ấm, yên vui", anh chồng nhờ VnExpress nhắn đến vợ.
Phạm Nga