Những ngày mùa thu, Vancouver làm nức lòng du khách khi những tán lá đổi màu, khoác lên một tấm áo mới cho thành phố. Từ trung tâm, lái xe qua khu công viên Stanley rực rỡ rồi vượt cây cầu Lion Gate có góc nhìn tuyệt đẹp xuống bên dưới, đi thêm chưa đầy 2 km trên con đường Capilano là du khách đã có thể chạm ngõ Capilano Suspension Bridge Park. Công viên nằm khép mình trong cánh rừng đầy những cây cổ thụ đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách khi du lịch tại thành phố ở bờ Tây Canada này.
Không khí trong lành và mát mẻ đón du khách bắt đầu hành trình ngược dòng lịch sử tìm hiểu về cây cầu treo đặc biệt. Khoảng năm 1888, George Grant Mackay, kiến trúc sư gốc Scotland đã gặp một vấn đề nan giải. Ông vừa mua một khoảng rừng rậm ở bờ bắc Vancouver và xây căn nhà nhỏ gần hẻm núi nhưng không có cách nào để sang được bờ bên kia, nơi cũng thuộc phần đất của mình. George quyết định làm một cây cầu treo bắc ngang bằng dây thừng bện từ cây gai dầu, mặt cầu dùng gỗ tuyết tùng với sự giúp đỡ của 2 người bản địa. Hoàn thành năm 1889, đến năm 1903 dây cầu được thay bởi những sợi cáp chắc chắn hơn.
Cầu treo Capilano cũng có rất nhiều lần thay đổi chủ nhân. Năm 1910, Edward Mahon đã mua lại cây cầu và sau đó 25 năm Mac Eachran trở thành người chủ kế tiếp. Ông mời những cư dân bản địa đặt các cột totem – cột gỗ điêu khắc hình vật tổ của các bộ tộc Bắc Mỹ - trong công viên. Năm 1945, Capilano thêm một lần nữa đổi chủ sang Henri Aubeneau và được hoàn toàn xây mới năm 1956.
Những du khách sợ độ cao thường không dám bước đi trên cây cầu mặc dù mặt cầu rất rộng và hai bên đều được bọc lưới cao cùng dàn cáp chắc chắn. Cây cầu còn có tên “cầu cười” bởi những âm thanh tạo ra như tiếng cười khi gió thổi qua hẻm núi. Vài bước đầu tiên bạn dễ có cảm giác mất thăng bằng khi cầu luôn lắc lư. Đến giữa cầu, độ rung lắc càng cao hơn nữa, kèm thêm những cơn gió mạnh khiến cho người nghiêng ngả. Một số du khách vui tính còn cố tình lay sợi cáp khiến cây cầu đong đưa như chiếc võng. Bên dưới, dòng sông Pilano mạnh mẽ chảy không ngừng nghỉ và thảm rừng xanh pha chút lá vàng như một bức tranh sống động. Qua đến được bên kia cầu, nhiều người sung sướng thốt lên “I made it! – tôi đã vượt qua được rồi!”.
Khu công viên hiện tại được bà Nancy Stibbard mua lại năm 1983 và sở hữu cho đến ngày nay. Từ bên kia cầu, Treetop Adventure – lối đi trên không cao khoảng 30 m nối những thân gỗ to đưa du khách khám phá khoảng rừng rậm vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay. Nhiều cây cầu treo nhỏ nối kết thành một vòng tròn, tại các thân cây là bậc nghỉ được đóng rộng rãi để mọi người có thể đứng lại quan sát lũ sóc đang chuyền cành hay vài chú chim ríu rít gọi bạn. Các bảng thuyết minh và chỉ dẫn về đời sống của loài động và thực vật trong rừng được dặt dọc theo lối đi trên cao cung cấp thông tin rất bổ ích cho du khách.
Năm 2011, thêm khu vực Cliffwalk được khai trương, con đường dẫn ra một ban công lơ lửng chìa hẳn ra ngoài khoảng không mênh mông bên dưới. Lối đi hẹp chỉ vừa một người được treo bởi 8 sợi cáp nhỏ càng làm nhiều người rùng mình.
Capilano thu hút du khách đặc biệt vào dịp lễ Giáng Sinh, khi ấy hàng ngàn bóng đèn được thắp sáng như một dải sao lung linh giữa màn đêm. Những ngày này, công viên mở cửa đến 21h tối để đón du khách và mang đến cho họ cảm giác bồng bềnh trên cây cầu lấp lánh giữa không trung.
Công viên Capilano mở cửa linh hoạt từ 8h30 đến 18h vào các mùa xuân, hạ, thu và từ 11h đến 21h vào mùa đông (30/11-4/1).
Giá vé: Người lớn 31,95 USD (670.000 đồng), trẻ em 12 USD (250.000 đồng), sinh viên 25 USD (528.000 đồng).
Bạn có thể đến công viên cầu treo Capilano bằng ôtô cá nhân, xe đạp hoặc từ trung tâm Vancouver, đón phà (seabus) đến Lonsdale Quay và sau đó lên bờ đi tiếp xe buýt tuyến 236 dừng tại ngay gần Capilano Suspension Bridge Park.
>> Xem thêm: Ảnh Công viên cầu Capilano
Bài và ảnh: Hoài Nam