Là người lớn lên trong một gia đình có nhiều người làm giáo viên, tôi thực sự thấu hiểu nỗi lòng và áp lực mà họ đang phải gánh chịu.
Trong văn hóa giáo dục Việt Nam, người thầy từ lâu luôn được kính trọng, việc học sinh và phụ huynh tự tìm đến giáo viên để xin học thêm không chỉ là nhu cầu mà còn là sự ghi nhận, thể hiện niềm tin vào năng lực và đạo đức nghề nghiệp của họ.
Giờ đây, nhiều giáo viên cảm thấy "sản phẩm giáo dục" của mình - từng được xem là thiêng liêng - đã bị hạ thấp thành một dịch vụ như bao sản phẩm thông thường khác.
Đối với giáo viên trường tư thục hay trường quốc tế, họ đã quen với việc được xem như người cung cấp dịch vụ, nơi phụ huynh và học sinh là khách hàng.
Một người thân của tôi đã không giấu nổi sự bức xúc khi chia sẻ: "Giờ đây, chị chẳng khác gì một người phải đi rao bán kiến thức. Thầy cô từ trước đến nay đâu có quen chuyện đi mời mọc học sinh như vậy."
Với những giáo viên không thể tự tìm kiếm học sinh, hoặc không vượt qua được những lời bàn tán cay nghiệt như "người thầy mà đi rao bán kiến thức", họ buộc phải vào làm việc cho các trung tâm dạy thêm.
Nhưng ở đó, họ phải chia phần lớn thu nhập cho trung tâm, khiến thu nhập giảm đáng kể. Còn đối với giáo viên tiểu học, tình cảnh còn éo le hơn nhiều khi họ mất luôn nguồn thu từ việc dạy kèm các môn cơ bản như viết chữ, toán hay tiếng Việt – những công việc đã từng là một phần quan trọng giúp họ duy trì cuộc sống.
Khi Thông tư 29/2024 về quản lý dạy thêm, học thêm được ban hành, tôi đã nghe không ít lời than phiền từ dư luận.
Người ta bảo rằng thông tư này "cấm tiệt" việc dạy thêm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống giáo viên và cơ hội học tập của học sinh. Nhưng khi dành thời gian đọc kỹ toàn bộ nội dung Thông tư, tôi nhận ra: chuyện không hoàn toàn như lời đồn.
Vấn đề ở đây không phải là cấm dạy thêm, mà là đưa ra các giới hạn để đảm bảo minh bạch và hạn chế tiêu cực. Vậy thực sự Thông tư này đang "cấm" những gì, và vì sao cần những giới hạn đó?
Các trường hợp bị cấm và lý do:
(1) Cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học
Tôi hoàn toàn đồng tình với điều này. Các bé tiểu học, đặc biệt là dưới 10 tuổi, cần ưu tiên phát triển thể chất, chơi đùa, khám phá thế giới xung quanh thay vì suốt ngày cắm đầu vào sách vở.
Việc cấm dạy thêm cho nhóm tuổi này (Khoản 1, Điều 4) là hợp lý, tránh việc trẻ bị gò ép vào một vòng xoáy học tập căng thẳng từ quá sớm.
Việc ép con đi học thêm từ quá sớm không chỉ do nhu cầu về kiến thức, mà còn vì áp lực từ xung quanh, xuất phát từ nỗi lo sợ bị thua thiệt, sợ rằng nếu con mình không học, sẽ tụt lại phía sau so với bạn bè.
Khi tất cả bạn bè đều đi học thêm, phụ huynh khác dù không muốn cũng cảm thấy buộc phải cho con đi học vì sợ con mình sẽ bị tụt hậu. Theo thời gian, điều này trở thành một áp lực chung - một dạng "học thêm không được phép bỏ".
Tuy nhiên, nếu tất cả mọi người đều không được cho con đi học thêm, nỗi lo ấy cũng không còn. Phụ huynh sẽ tập trung vào việc hỗ trợ con cái học tập tại nhà một cách tự nhiên hơn.
(2) Cấm giáo viên dạy thêm cho chính học sinh trong lớp mình
Thú thật, quy định này có phần nhạy cảm. Tôi hiểu rằng nó được đặt ra để hạn chế những vấn đề như ép buộc học sinh học thêm, phân biệt đối xử trong lớp học, hay những "tâm tư riêng" mà cả phụ huynh lẫn giáo viên có thể mang theo. Nhưng tôi cũng thấy thực tế không đơn giản như vậy.
Lâu nay, phụ huynh thường ưu tiên cho con mình học thêm với chính giáo viên đang dạy con trên lớp. Tâm lý của họ là muốn cô trò quen biết nhau, nắm rõ tình hình học tập để dễ dàng điều chỉnh, địa điểm dạy của giáo viên cũng thường thuê gần trường.
Ngược lại, giáo viên cũng quen dạy thêm cho học sinh lớp mình vì... tiện lợi, không mất công tìm học sinh khác. Có thể nói, đây là một "thói quen ngầm" mà cả hai bên đều đã chấp nhận từ lâu.
Giờ đây, với Thông tư mới, giáo viên không còn được phép dạy học sinh lớp mình. Thay vào đó, họ phải tự tìm học sinh từ các lớp khác. Nghe qua thì tưởng dễ, nhưng thực tế là không phải ai cũng có khả năng "kiếm khách hàng".
Các bạn thử nghĩ xem: một người đã quen làm thầy, luôn được người khác tìm đến, giờ phải chuyển sang vai trò "người bán hàng", đi thuyết phục phụ huynh, học sinh sử dụng dịch vụ dạy thêm của mình. Điều này thực sự là một cú sốc lớn đối với không ít giáo viên.
Dạy thêm trong nhà trường - Trách nhiệm hay gánh nặng?
Theo Thông tư, giáo viên có thể dạy thêm trong nhà trường nhưng phải tuân thủ nhiều giới hạn: chỉ dạy cho học sinh yếu, học sinh giỏi hoặc học sinh cuối cấp cần ôn thi. Quan trọng hơn, giáo viên không được thu tiền từ học sinh mà sẽ nhận thù lao từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường (Điều 5). Mỗi môn học chỉ được dạy thêm hai tiết mỗi tuần.
Thực tế là, vì số tiết ít và khung thù lao theo quy định, khoản thu này thường không đáng kể. Với những giáo viên đang phải đối mặt với áp lực cơm áo gạo tiền, họ khó mà xem đây là một nguồn thu nhập hấp dẫn để dành thời gian. Tôi hiểu, khi tiền nhà đến hạn, con cái cần học phí, cha mẹ ốm đau, chẳng ai có thể làm việc chỉ vì "đam mê", vì "yêu nghề" cả.
Dạy thêm ngoài nhà trường - Rào cản pháp lý mới
Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên phải đăng ký kinh doanh, công khai thông tin dạy học, báo cáo với hiệu trưởng về việc dạy thêm của mình. Điểm mới trong Thông tư có ưu điểm sẽ quản lý tốt hơn hoạt động dạy thêm, bảo vệ quyền lợi của người học, đồng thời đảm bảo nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Tuy nhiên, một bất cập lớn là giáo viên không được phép tham gia quản lí, điều hành đơn vị kinh doanh giáo dục (khoản 3, Điều 4). Điều này có thể khiến họ phải nhờ người khác đứng tên hộ, rồi làm hợp đồng thuê giáo viên là chính họ dạy, khiến họ chịu hai lần thuế: thuế kinh doanh và thuế thu nhập cá nhân. Đó là một gánh nặng tài chính không nhỏ.
Ưu và nhược điểm của quy định mới
Ưu điểm:
- Giảm áp lực học thêm không cần thiết cho học sinh, đặc biệt là bậc tiểu học.
- Hạn chế tiêu cực trong quan hệ giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh.
- Tạo sự minh bạch trong hoạt động dạy thêm, giúp phụ huynh và học sinh dễ dàng lựa chọn giáo viên hoặc cơ sở dạy thêm đáng tin cậy.
Nhược điểm
- Giáo viên mất đi một nguồn thu nhập quan trọng, đặc biệt là ở bậc tiểu học.
- Tăng thêm thủ tục và chi phí hành chính cho giáo viên muốn dạy thêm ngoài trường.
- Chi phí học thêm có thể tăng để giáo viên bù đắp chi phí, gây thêm gánh nặng tài chính cho phụ huynh.
- Khó khăn về địa điểm học thêm, nếu phụ huynh phải đưa con tới các trung tâm dạy thêm ở xa hơn, thay vì địa điểm giáo viên thuê ở gần trường, gây bất tiện trong di chuyển.
- Giáo viên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm học sinh, hoặc phải chấp nhận giảm thu nhập vào dạy trong các trung tâm.
- Tâm lý ảnh hưởng đến giáo viên, nhiều giáo viên cảm thấy bị tổn thương về lòng tự trọng nghề nghiệp. Điều này có thể dẫn tới sự suy giảm động lực làm nghề ở các giáo viên.
Tôi nghĩ rằng, khi nhìn nhận một cách công bằng và toàn diện, trừ bậc tiểu học, Thông tư 29 không hề nhằm triệt tiêu hoàn toàn việc dạy thêm như nhiều người lo lắng.
Lê Quốc Kiên