"Giả dụ nếu có quỳ xuống mà giữ được chồng, tôi cảm tưởng mình cũng có thể quỳ", người phụ nữ 31 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội tâm sự.
Nghe chuyện của Hoan, nhiều người sẽ nghĩ cô không thể ly hôn vì phụ thuộc kinh tế hoặc sợ điều tiếng. Thực tế ngược lại, Hoan làm trong một doanh nghiệp nước ngoài, thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng mỗi tháng, còn chồng, anh Vinh, kinh doanh thất thường. Suốt những năm sống chung, cô thường phải chu cấp thêm tiền sinh hoạt cá nhân và trả nợ thua lỗ làm ăn. Từ nội trợ đến chăm con hay mua nhà, một tay Hoan cáng đáng.
Lần đầu cô phát hiện bị lừa dối là lúc vừa kết hôn. Hóa ra trong thời gian yêu nhau, Vinh đã "bắt cá hai tay". Khi bị phát hiện, anh chồng cầu xin: "Anh chỉ có một mình em và con thôi. Nếu em không tha thứ, anh cũng không thiết sống nữa". Nghĩ đến hoàn cảnh chồng mồ côi mẹ, phải sống một mình từ nhỏ nên Hoan thương mà bỏ qua.
Các năm tiếp theo, thi thoảng Hoan lại phát hiện chồng "bóc bánh trả tiền". Nhưng cứ mỗi lần anh Vinh áp dụng chiêu bài tỏ ra đáng thương, người vợ lại mủi lòng, thậm chí còn tự trách không đáp ứng được nhu cầu của chồng.
Covid-19 khiến chồng Hoan thất nghiệp ở nhà suốt hai năm. Mình cô đi sớm về khuya chăm lo cho cả gia đình và trả nợ, áp lực song nhiều lúc cô thấy vui vì không còn thấy chồng lăng nhăng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn kiếm được việc làm ăn mới, anh chồng thường xuyên công tác. Cô không nghi ngờ gì, chỉ có đôi lúc thấy bí bách vì không có người chăm sóc con trai đang học tiểu học, trong khi cô thường xuyên phải làm ca đêm. Có lần chồng bảo đi công tác đột xuất, 11 giờ đêm cô phải chở con đi gửi.
Nỗi cay đắng, uất hận bùng lên khi sau đó cô phát hiện vào chính cái đêm mưa gió phải đánh thức con dậy đi gửi, chồng đi chơi với bồ. Trên trang cá nhân của người phụ nữ kia đăng ảnh hai người bên bánh, hoa cùng những lời tình tứ để kỷ niệm tròn 100 ngày yêu.
Chuyện vỡ lở, nhưng lần này chồng cô nói đã yêu người khác và chuyển ra ngoài sống để "theo đuổi tình yêu". Hoan muốn ghen không được, muốn tức giận, ràng buộc cũng không xong, bởi cứ mỗi lần cô làm căng, chồng lại lấy chuyện đã quá áp lực cuộc sống và tự tử ra dọa. "Có hôm tôi bàn với anh san sẻ trách nhiệm đưa đón con thì anh bảo tôi đem con ra ràng buộc. Còn nói tôi là loại phụ nữ ác độc, không muốn để anh được sống yên", cô gạt nước mắt, kể.
Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Hạnh, 41 tuổi ở quận 9, TP HCM không thể dứt được người chồng trăng hoa. Cưới nhau 17 năm, anh Khánh (chồng chị) vụng trộm đã 7 lần, có mối tình kéo dài tận ba năm.
Lần đầu tiên Hạnh phát hiện bị "cắm sừng" là lúc đang mang bầu ba tháng. Khi đó anh Khánh lấy lý do "chỉ vì vợ mang bầu không đáp ứng được nhu cầu nên mới ra ngoài giải tỏa". Hạnh mủi lòng sau nhiều ngày chồng thề thốt chấm dứt ngoại tình.
Khi chị dần quên đi chuyện cũ thì lại phát hiện chồng qua lại với một sinh viên kém hẳn một con giáp. Lần này, Khánh đổ lỗi tại vợ mải mê công việc bỏ mặc chồng, tại sau sinh vợ thay đổi ngoại hình làm anh mất cảm xúc, tại cô nhân tình biết anh có vợ vẫn lao vào... Lần ấy Hạnh đưa con ra ngoài sống và làm đơn ly hôn. Khánh không ký đơn và tỏ ra hối lỗi thực sự. Cuối cùng, mọi chuyện lại bình thường và Khánh vẫn cứ "ăn chả" hết lần này đến lần khác.
Theo báo cáo thống kê của ngành tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, trong đó 70% do phụ nữ đệ đơn. Cặp bồ, ngoại tình là nguyên nhân hàng đầu. Dù vậy, không phải trường hợp ngoại tình nào cũng dẫn tới ly hôn. Trong nghiên cứu của Peggy Vaughan - diễn giả người Mỹ về các vấn đề không chung thủy, có tới 75% các cặp vợ chồng ngoại tình vẫn ở bên nhau.
Có rất nhiều lý do khiến cho nhiều người vợ không thể buông tay với cuộc hôn nhân dù chồng ngoại tình như: Tài chính bị phụ thuộc, vì con cái, sĩ diện bản thân và bố mẹ, định kiến xã hội, coi ly dị là một thất bại của bản thân, vẫn nuôi hy vọng chồng thay đổi...
Nhưng theo chuyên gia, nhà báo Hoàng Anh Tú - admin group hơn 110.000 thành viên về hôn nhân - thì đó chỉ là những lý do bề mặt. Có những lý do ẩn trong những phụ nữ ấy là sự thiếu tự tin vào bản thân, không tin rằng mình có thể độc lập; định kiến quá hằn sâu trong suy nghĩ khi cho rằng ly dị là thất bại; vẫn còn tình cảm với chồng và vẫn muốn vớt vát, hy vọng chồng sẽ thay đổi; vì con cái nhưng thực ra là vì bản thân không tin rằng mình có thể nuôi dạy con cái tốt được.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội) từng tư vấn cho rất nhiều trường hợp phụ nữ cam chịu chồng ngoại tình. Theo bà, nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu khi ngoài xã hội họ là những phụ nữ làm kinh tế giỏi nhưng chuyện tình cảm lại yếu đuối, nhu nhược, chịu đựng người chồng lăng nhăng. Nhưng khi nhìn sâu vào nội tâm có thể thấy một vài nguyên nhân gốc rễ.
Lấy ví dụ với trường hợp của Hạnh, chuyên gia tìm hiểu và được biết cô từng sống trong cảnh thiếu thốn sự quan tâm, tình yêu thương của bố mẹ. Khi họ đổ vỡ hôn nhân, cô thậm chí còn khổ sở hơn vì phải sống trong cảnh mẹ ghẻ con chồng khắc nghiệt. Hạnh luôn khao khát có một mái ấm của riêng mình. Vì vậy mà chị hết lần này đến lần khác tha thứ cho lỗi lầm của chồng. Chị sợ, nếu ly hôn, các con sẽ phải sống trong cảnh tủi cực giống mình ngày trước.
Hơn nữa, cả Hạnh và Hoan đều thuộc kiểu phụ nữ thích chăm sóc người khác. Mỗi lần thấy chồng " tự ngược đãi bản thân", họ lại thương, muốn giúp đỡ, chăm sóc anh ta. Chính điểm yếu này của họ đã bị người chồng lợi dụng hết lần này tới lần khác.
Hoan thú nhận biết mình phải ly hôn nhưng không thể, bởi có một "sự phụ thuộc vào đàn ông một cách ghê gớm". Sự phụ thuộc ấy - cô cắt nghĩa - tồn tại cả mặt hữu hình và vô hình. Cô nghĩ tính cách mình hiền lành, không thể nuôi dạy được con trai. Cô rất bất an khi nghĩ về tương lai phải sống một mình. "Nhiều đêm tôi thức trắng, uất hận chồng, nhưng ngay cả trong những khoảnh khắc ấy tôi vẫn sợ ly hôn", cô giãi bày.
Còn chị Hạnh, sau từng ấy lần bị phản bội đã không yêu chồng như trước nhưng tình nghĩa vẫn còn. Vì muốn giữ gia đình trọn vẹn cho con, chị thôi ý định ly hôn, song lại không thoát được đau khổ và bế tắc. Chị tìm đến Phật pháp không được, gần đây phải đi trị liệu tâm lý.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho rằng trong một mối liên hệ hôn nhân, nếu không có cam kết chung thủy và sự tôn trọng cơ bản dành cho nhau thì nên dừng lại, hãy sống vì sự bình yên của chính mình và tạo cho trẻ môi trường lành mạnh để phát triển.
Theo chuyên gia Hoàng Anh Tú, hãy coi đây là khoảng thời gian hôn nhân đang ở vùng thời tiết xấu, việc hiện tại không phải là sửa chữa hôn nhân mà là thích ứng với vùng thời tiết xấu trước đã. "Tôi luôn nhắc họ rằng, chồng bạn ngoại tình là một bước ngoặt sẽ thay đổi bạn. Nó như một cơn bão làm bạn biến dạng. Thế nên đừng nghĩ việc nó sẽ qua hay thời gian sẽ làm lành vết thương. Hãy nghĩ đến việc mình phải thay đổi thế nào để thích ứng. Học cách thừa nhận việc mình đã bị thay đổi, học cách sống với một con người khác: Một phụ nữ có chồng ngoại tình", chuyên gia khuyên.
Từng bước, sau khi đã thừa nhận, bạn sẽ học cách thích ứng trong vai trò mới. Khi đó chúng ta mới có thể tiếp tục với việc ứng xử trước chồng, con, các hệ lụy khác. Vẫn là chúng ta phải cứu bản thân trước khi nghĩ đến việc thay đổi thế giới.
"Cuối cùng, đừng coi ly dị là thất bại của bản thân mà hãy coi đó là một bước ngoặt của cuộc đời. Bước ngoặt đó tốt hay xấu là do bản thân mình thích ứng thế nào. Chúng ta không ngăn được cơn bão nhưng vẫn có thể điều khiển cánh buồm", ông Tú nói.
Phan Dương