Bệnh nhân phải đợi hàng giờ để ra khỏi xe cấp cứu. Những hành lang, quầy lưu niệm, quán ăn biến thành phòng bệnh. Các xe tải đông lạnh được chuẩn bị sẵn sàng để chứa thi thể.
Trong nhiều tháng năm ngoái, California áp dụng chiến lược giãn cách để tránh thảm họa bởi đại dịch Covid-19. Song từ tháng 11, khi thống đốc Newsom cho biết cần thêm 5.000 bao đựng thi thể, bang này thực sự bước vào cuộc chiến tàn khốc.
California đang đứng đầu danh sách các bang có số ca nhiễm nCoV cao nhất Mỹ, với những kỷ lục về số người nhập viện, số ca tử vong liên tiếp được xác nhận. Chỉ trong ngày đầu năm mới, giới chức báo cáo 585 trường hợp chết vì Covid-19.
Các chuyên gia phân tích có rất nhiều yếu tố kết hợp đánh tan thành công của California trong giai đoạn đầu đại dịch. Nhà cửa chật chội, việc đi lại, lễ lạt, tụ tập đông người, cộng thêm sự mệt mỏi của công chúng với các áp chế tiếp xúc xã hội khiến dịch lây lan nhanh chóng.
Sự hiện diện của biến thể nCov "siêu lây nhiễm" có khả năng góp phần vào đợt bùng phát mới. Tính đến ngày 2/1, bang này ghi nhận gần chục ca mang biến thể nCoV từ Anh.
Vùng phía nam Califonia từ thung lũng San Joaquin đến biên giới Mexico chịu hậu quả nặng nề nhất. Bệnh viện và các khoa chăm sóc đặc biệt đã hết sức chứa. Những đơn vị khám chữa bệnh tạm thời được dựng lên. Một số bệnh viện gặp khó khăn về nhu cầu oxy cho bệnh nhân.
Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tăng gấp 8 đến 10 lần trong vòng hai tháng gần đây. Số lượng người chết của toàn bang là 25.000, chỉ sau New York và Texas. Nếu không có các giải pháp đột phá, con số tử vong có thể tăng đến 100.000 người vào những tháng đầu năm 2021.
Giám đốc Trung tâm Y tế Cộng đồng Barbara Ferrer cầu xin mọi người không tụ tập để ngăn chặn lây nhiễm. "Nếu chúng ta làm tốt việc này, số lượng người chết vì nCoV đã không nhiều như vậy", bà nói.
Những gia đình đông đúc và các căn hộ chung cư có nguy cơ lây nhiễm virus cao nhất, đặc biệt tại Los Angeles. Mật độ dân số ở đây dày đặc, tập trung nhiều người da màu, thu nhập thấp, lao động thiết yếu sống trong đại gia đình hoặc trong các căn hộ. Họ bị phơi nhiễm từ chỗ làm việc hoặc khi đi lại.
Số dân Los Angeles chỉ chiếm ¼ trong 40 triệu dân của California, nhưng số ca tử vong do Covid-19 đến 40%, số ca nhiễm chiếm 1/3 toàn bang. nCoV tấn công tàn khốc vào cộng đồng người da đen và Mỹ Latinh.
Paula Cannon, giáo sư vi sinh và miễn dịch, đại học Nam California cho rằng, nói rằng "một người lao động ở nhà là điều không thể". "Hiện trạng của vùng này là vậy và khó thay đổi", bà nói. Thực trạng tại Los Angeles giống như đốm lửa, và hiện tại số ca nhiễm nCoV trong cộng đồng đủ để kích hoạt đám cháy lan rộng.
Hồi tháng 3, mệnh lệnh "ở nhà" lần đầu áp dụng. Sau đó, vào tháng 5, các doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng bị hạn chế một phần. Tuy nhiên, "mở cửa" đã dẫn đến đợt bùng phát tiếp theo khiến chính quyền áp dụng thêm nhiều biện pháp kiểm soát. Đầu tháng 12, khi số ca nhiễm vượt kỷ lục, thống đốc bang một lần nữa ra lệnh "hãy ở nhà" nhưng có phần nới lỏng hơn đợt đầu.
Bác sĩ Lee Riley, giáo sư bệnh truyền nhiễm, đại học California tại Berkeley, cho biết chính quyền đã không làm tốt việc truy vết tiếp xúc để cách ly những người nhiễm virus.
"Những biện pháp hạn chế được áp dụng có thể giúp trì hoãn đỉnh dịch, nhưng khi số ca nhiễm xuống chưa đủ thấp thì các lệnh hạn chế đã được dỡ bỏ, và thế là dịch lại bùng lên", ông nói.
Bác sĩ Mark Ghaly, phụ trách cơ quan y tế bang, cho rằng nếu lãnh đạo các địa phương hành động quyết liệt và kịp thời, tình hình đã không tồi tệ như hiện tại.
Ông thấu hiểu sự mệt mỏi của dân chúng trong những tháng cách ly xã hội. Song các quan chức y tế cần tìm cách tiếp cận với những người ‘đầu hàng' số phận hoặc bất tuân những nguyên tắc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Trên toàn bang, các quan chức địa phương luôn khuyến cáo người dân rằng số phận virus nằm trong chính cách sống của họ và khuyên mọi người hãy hy sinh cá nhân vì cộng đồng. Họ nhắc nhở mọi người rằng những hoạt động an toàn hồi đầu năm 2020 đang gặp rủi ro khi virus ngày càng lan rộng.
Giám đốc Viện sức khỏe cộng đồng, đại học San Diego, Corinne McDaniels-Davidson, cho biết: "Hãy quên những hoạt động mà chúng ta đã cho là an toàn hoặc có nguy cơ thấp bị nhiễm virus trong đợt đầu của dịch. Khi nCoV đã lây lan đến mức mất kiểm soát như hiện nay, chúng ta chỉ còn cách chiến đấu với nó".
"Đại dịch là cuộc đua marathon dài hạn, còn chúng ta quen chạy nước rút. Phải thay đổi thôi", ông nói.
Ý Nhi (Theo ABC, Los Angeles Times)