Số người chết tăng cao. Nguồn lực chữa trị thiếu hụt. Bác sĩ lo sợ những ngày họ buộc phải "bỏ rơi" bệnh nhân đang đến.
Một y tá tại Bệnh viện đại học California, Los Angeles (UCLA), nói: "Không còn chỗ để tiếp nhận người bệnh nữa. Virus thực sự rất nguy hiểm".
Thị trưởng thành phố cảnh báo người dân trong lúc ông phải cách ly vì con gái nhiễm nCoV. Những đám đông xếp hàng nhiều giờ chờ xét nghiệm. Những chiếc lều tạm dựng lên vội vã để phân loại bệnh nhân. Thành phố đặt thêm các bao đựng xác.
Các cụm dịch bùng lên từ chợ, nhà hàng, khu mua sắm, kho hàng, đơn vị cảnh sát, sở cứu hỏa, nhà tù và rạp phim...
Giới chức y tế dự đoán cứ 95 người dân tại Los Angeles thì có một người bị nhiễm nCoV và 10 phút có một người chết vì Covid-19. Hơn 6.000 ca Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện. Các phòng cấp cứu không còn giường trống.
Hiện tại, theo dữ liệu của LA Times, trung bình mỗi ngày có thêm 14.700 ca nhiễm mới, tăng 78% so với hai tuần trước. Số ca nhập viện là 700 bệnh nhân một ngày. Vào tháng 10, con số này ít hơn 150. Dự đoán tháng 1/2021, khoảng 1.400 ca nhập viện một ngày và hơn 9.000 người chết.
Trên toàn bang California ghi nhận hơn 2 triệu ca mắc Covid-19, một cột mốc gây sốc, giám đốc Sở Y tế và Dịch vụ Nhân sinh California Mark Ghaly mô tả.
Robert Kim-Farley, nhà dịch tễ học tại UCLA, cho biết đại dịch đã trở thành thảm họa "sóng thần".
Khủng hoảng tại Los Angeles gần chạm đến mức dịch tàn phá New York vào mùa xuân. Nhiều người chết cô độc trong các bệnh viện.
"Số lượng bệnh nhân không những tăng cao, mà thời gian chờ đợi được chữa trị cũng dài hơn", y tá Yolanda Tominac cho biết. Tại bệnh viện West Hills nơi cô làm việc, các nhân viên đang đe dọa đình công vì suy nhược thể chất lẫn tinh thần.
Trước tình cảnh hiện tại, nhiều bệnh viện thảo luận vấn đề "lựa chọn bệnh nhân để chữa trị". Điều này có nghĩa sẽ giảm chất lượng chăm sóc người bệnh và gia tăng tỷ lệ tử vong.
Bác sĩ Jorge Reyno, phó giám đốc bệnh viện công Martin Luther King Jr (MLKCH), nói dù không hy vọng điều này xảy ra nhưng các bệnh viện cần chuẩn bị kế hoạch đối phó.
MLKCH có 131 giường, dành cho dân gốc Phi và Mỹ Latinh ở phía nam Los Angeles, hiện chữa trị cho 200 bệnh nhân. Bệnh viện mở 3 khoa điều trị Covid-19 và đang cần thêm máy trợ thở. Reyno cho hay những gì MLKCH gặp phải là lời nhắc nhở về hố sâu bất bình đẳng trong khủng hoảng. Các bệnh nhân tuổi đời 40 và mang nhiều bệnh nền.
Một y tá khác ở UCLA, Santini từng lên tiếng nhiều lần về việc thiếu hụt các trang thiết bị an toàn. Cô đã mắc Covid-19 và tưởng chừng không qua khỏi. Cô thường xuyên đăng các video lên Facebook kêu gọi mọi người hãy ở nhà đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Santiti rất xúc động khi được các đồng nghiệp chăm sóc tận tình và đau lòng khi nghĩ đến những bệnh nhân phải chết cô độc.
Jury Skomorovsky, y tá tại trung tâm Hollywood Presbyterian, tức giận khi chứng kiến nhiều người "thả lỏng" các biện pháp phòng ngừa trong đợt sóng thứ 3. Anh nói: "Cần bao nhiêu người chết nữa để họ sáng mắt ra. Nếu cứ như vậy sẽ không đủ y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân".
Vào tháng 3, California đã ban hành lệnh đóng cửa giúp kiểm soát dịch bệnh. Song việc mở cửa sớm vào mùa hè và thái độ buông lỏng của người dân, cùng nhiều kỳ nghỉ lễ, góp phần đưa dịch bùng phát trở lại.
Biện pháp đóng cửa một phần khiến tình hình thêm hỗn loạn. Một mặt chính quyền kêu gọi người dân ở nhà nhưng vẫn cho phép các trung tâm thương mại mở cửa, khiến cửa hàng chật cứng và nhân viên bị lây nhiễm. Tất cả cửa hàng ăn uống phải đóng cửa nhưng Hollywood vẫn tiếp tục quay phim.
Kirsten Bibbins-Domingo, nhà dịch tễ học tại UC San Francisco, cho biết: "Mười tháng sau làn sóng đầu tiên, các cá nhân và doanh nghiệp tổn hại tài chính, buộc mọi người tiếp tục ra ngoài".
Bibbins-Domingo cho biết giá nhà ở Los Angeles quá cao khiến nhiều người phải sống trong điều kiện đông đúc. Nghiên cứu của cô hé lộ biện pháp đóng cửa không bảo vệ được người có bằng cấp thấp kém, khi họ vẫn phải đi làm và gánh chịu rủi ro hơn các tầng lớp khác.
Barbara Hughes, nhân viên thu ngân 61 tuổi tại cửa hàng tạp hóa Food 4 Less, cho biết khách hàng thường không đeo khẩu trang và đứng cách xa đúng cách. Ít nhất 21 đồng nghiệp của bà bị nhiễm nCoV.
Ý Nhi (Theo Guardian)