Tháng 4/2020, khi giải đấu quần vợt chuyên nghiệp bị tạm dừng vì Covid-19, Novak Djokovic tham gia cuộc trò chuyện trực tiếp trên Facebook với một số vận động viên Serbia. Trong cuộc trao đổi, anh cho biết bản thân "phản đối tiêm chủng" và "không muốn ai đó bị ép buộc tiêm chủng để được phép tự do đi lại".
"Nhưng nếu đó là quy định bắt buộc, chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ phải đưa ra quyết định", Djokovic đặt câu hỏi và tự trả lời.
Hơn một năm rưỡi sau, Djokovic phải ra quyết định thật sự, khi chuẩn bị đến Australia với mục tiêu giành danh hiệu Grand Slam thứ 21 để vượt qua hai kình địch Roger Federer và Rafael Nadal, đồng thời trở thành tay vợt nam có thành tích tốt nhất mọi thời đại.
Nhưng quyết định của Djokovic, không tiêm vaccine mà xin miễn trừ tiêm chủng, đã trở thành vụ tranh cãi nảy lửa với nhiều bước đi sơ sẩy, khiến hình ảnh của tay vợt 34 tuổi bị tổn hại nghiêm trọng. Giờ đây, Djokovic trở thành trung tâm của cuộc tranh cãi toàn cầu về vấn đề gây chia rẽ nhất trong Covid-19, liên quan tới tự do cá nhân hay trách nhiệm tập thể.
Một tuần trước, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ít nhiều cảnh báo về kết cục của Djokovic, khi tuyên bố "luật là luật" và không có ngoại lệ cho tay vợt nam số một thế giới.
Ngày 16/1, một tòa án ở Melbourne đã từ chối yêu cầu đảo ngược quyết định hủy thị thực của chính phủ Australia, khiến Djokovic không thể góp mặt trong giải đấu bắt đầu từ hôm nay và phải rời Australia.
Djokovic lớn lên trong khói lửa chiến tranh vào những năm 1990. Anh cùng gia đình sống ở Belgrade khi NATO ném bom xuống Serbia và đã trải qua nhiều đêm co ro trong tầng hầm tòa chung cư của ông nội.
Djokovic nói rằng chính những ký ức này đã giúp tôi luyện anh trở thành nhà vô địch. Nhưng có lẽ nó cũng sinh ra cảm giác không thể bị khuất phục trước các tác động ngoại cảnh, điều đã khiến anh gặp rắc rối.
Lùm xùm lần này ở Australia đã làm nổi bật một số khía cạnh gây tranh cãi hơn trong con người Djokovic. Anh từ lâu là một người hay nói về những vấn đề được cho là không phù hợp với khoa học. Năm 2020, trong các cuộc trò chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe Chervin Jafarieh, Djokovic từng khẳng định "trí óc có thể lọc sạch nước".
"Tôi biết một số người thông qua năng lượng chuyển hóa, sức mạnh của cầu nguyện và lòng biết ơn, họ đã biến thức ăn độc hại nhất hoặc nước ô nhiễm nhất thành thứ tốt nhất, bởi nước có phản ứng", anh nói. "Các nhà khoa học đã chứng minh rằng trong thực nghiệm, các phân tử nước đã phản ứng với cảm xúc trong lời nói của chúng ta".
Chính trong khoảng thời gian này, Djokovic tiết lộ trên Facebook rằng anh phản đối tiêm chủng và quy định tiêm chủng bắt buộc. Vài tháng sau, anh tổ chức một giải đấu từ thiện và nó trở thành sự kiện siêu lây nhiễm, trong đó Djokovic và vợ cùng dương tính với nCoV. Báo giới và nhiều người trong làng quần vợt lúc đó đã chỉ trích hành động của Djokovic giữa lúc thế giới phải hứng chịu cuộc khủng hoảng Covid-19.
Nhưng lùm xùm đó có lẽ không thấm vào đâu so với những gì vừa xảy ra ở Australia. Sự việc của Djokovic kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ khi anh bị hủy visa lần đầu tiên tại sân bay Melbourne Tullamarine đêm 5/1 do những tranh cãi về bằng chứng anh được miễn trừ tiêm vaccine Covid-19. Trong phiên điều trần hôm 10/1, thẩm phán yêu cầu chính phủ Australia khôi phục visa cho Djokovic vì Lực lượng Biên phòng làm sai quy trình. Djokovic sau đó được tự do, trải qua ba ngày tập luyện ở sân Rod Laver Arena rồi bị hủy visa lần thứ hai và kháng cáo bất thành.
Khi hạ cánh ở Australia, Djokovic dường như tin rằng mình đã có đủ giấy tờ hợp lệ để nhập cảnh. Tuy nhiên, khi giới chức Australia không chấp thuận giấy tờ đó, mọi thứ bắt đầu trở nên phức tạp, theo Andreas Sten-Ziemons, bình luận viên của báo Đức DW.
Đến lúc này, Djokovic bất ngờ tuyên bố mình từng nhiễm nCoV hồi tháng 12/2021, điều chưa từng được đề cập trước đó nhưng giúp anh được liệt vào nhóm người hồi phục sau nhiễm và thuộc diện miễn trừ tiêm chủng.
Thông tin này khiến dư luận lập tức "đào bới" lại lịch sử hoạt động của anh và phát hiện ra rằng Djokovic vẫn tới dự một sự kiện đông người, tiếp xúc với cả phóng viên và trẻ em mà không đeo khẩu trang, sau khi có kết quả "dương tính với nCoV". Họ cũng để ý rằng ngày tháng trên phiếu xét nghiệm dương tính không chính xác.
Andreas Sten-Ziemons cho rằng "cái sảy sẽ nảy cái ung" và mọi nỗ lực khắc phục chỉ gây ra hậu quả lớn hơn. Djokovic cho rằng đây là "lỗi do con người, không phải là hành động cố tình" khi anh dự sự kiện sau khi mắc Covid-19. "Lỗi con người" cũng là lý do được anh đưa ra để giải thích cho hành động điền sai thông tin trên tờ khai nhập cảnh vào Australia.
"Djokovic dường như đang sống trong vũ trụ của riêng mình, nơi anh ấy là Mặt trời và mọi thứ xoay xung quanh mình", Sten-Ziemons viết.
Tại quê nhà Serbia, Djokovic được ca ngợi như một vị thánh và "thủ lĩnh của thế giới tự do", nhưng bị đối xử bất công vì là người Serbia. "Họ giẫm đạp lên Novak, lên Serbia và tất cả người dân nước này", Srdjan, cha của Djokovic, nói.
Bộ Ngoại giao Serbia đưa ra tuyên bố rằng công chúng nước này có cảm giác Djokovic "bị dụ đến Australia để bị làm bẽ mặt". Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 16/1 chỉ trích quyết định của giới chức Australia, đồng thời khẳng định "Djokovic có thể trở về đất nước trong tư thế ngẩng cao đầu".
Tuy nhiên, bình luận viên Sten-Ziemons cho rằng Djokovic và những người ủng hộ anh không nhận ra thực tế rằng họ không thể thắng trong cuộc tranh cãi này. Đó là lý do đội ngũ Djokovic quyết tâm kháng cáo đến cùng, để rồi rốt cuộc vẫn bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh vào Australia ba năm.
"Tất cả chúng tôi đã tuân thủ quy định để đến Australia và tham gia giải đấu", Stefanos Tsitsipas, một đối thủ của Djokovic, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với kênh WION của Ấn Độ. "Một nhóm thiểu số quyết định đi theo con đường riêng, khiến nhóm đa số trông giống như những kẻ ngốc".
Nhưng cả Sten-Ziemons và Michael Steinberger, nhà phân tích của NY Times, đều cho rằng trong vụ lùm xùm này, Djokovic mới thực sự là người tự chuốc lấy rắc rối cho bản thân.
Sau những tranh cãi đầu tiên ở sân bay, Djokovic được cho là đã có bước đi sai lầm tiếp theo khi kiên quyết giữ quan điểm không tiêm chủng tại một quốc gia đã chịu đựng những biện pháp hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt nhất và hàng chục triệu người đã chấp nhận tiêm chủng để góp sức phòng chống dịch.
Steinberger cho rằng hành động của Djokovic là "sự thờ ơ một cách nhẫn tâm" với phản ứng của dư luận.
Dù tính toán sai lầm, thái độ kiêu ngạo hay cả hai là lý do khiến Djokovic nghĩ rằng anh có thể xuất hiện ở Melbourne mà không cần tiêm chủng, tay vợt Serbia giờ dường như ngày càng bị cô lập trong làng quần vợt. Rất ít vận động viên khác công khai ủng hộ quan điểm của anh.
Martina Navratilova, người từng là tay vợt nữ số một thế giới, nói rằng bà đã luôn lên tiếng bênh vực Djokovic khi cho rằng anh bị người hâm mộ đối xử bất công. "Nhưng lần này, tôi không thể làm điều đó nữa", bà nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times, DW)