Lãnh đạo ngành trực tiếp tới lắng nghe, để từ đó tham mưu chính sách, giải pháp phù hợp cho Quốc hội, Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề chủ yếu nêu khó khăn, vướng mắc mà ít kiến nghị chính sách, giải pháp cụ thể. Nhiều cuộc họp khác tôi dự gần đây cũng diễn ra tương tự.
Vậy bức tranh doanh nghiệp đang như thế nào? Dù có cải thiện một chút trong tháng 5/2023, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm (88.000) vẫn gần bằng số gia nhập thị trường (95.000). Theo Tổng cục Thống kê, một số lĩnh vực, ngành nghề có lượng doanh nghiệp đóng cửa tăng nhanh như bất động sản (tăng 57,8%), xây dựng (tăng 22%), công nghiệp chế biến - chế tạo (tăng 23,3%); số lượng lao động tại các doanh nghiệp giảm 4,8%.
Doanh nghiệp đang gặp bốn khó khăn, vướng mắc chính.
Đầu tiên là vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh. Dù đang được quan tâm cải thiện, tháo gỡ dần, khâu thực thi vẫn chậm và yếu, một phần do quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa đủ rõ ràng, nhưng chủ yếu là do nỗi lo sợ trách nhiệm, sợ sai, chưa vì cái chung trong khi năng lực, trình độ của công viên chức còn hạn chế và khâu phối hợp chưa tốt. Tôi cho rằng đây là thách thức, bất cập lớn nhất, cũng là nguyên nhân chính làm suy giảm niềm tin.
Tiếp đến là vấn đề tài chính, thể hiện qua ba khía cạnh. Một là nghĩa vụ thuế và phí đáo hạn. Điều này đã và đang được Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ, cho phép giãn hoãn tiền thuế, phí, tiền thuê đất năm 2023, đang bàn giảm 2% thuế VAT. Hai là nghĩa vụ nợ phải trả cho đối tác, khách hàng, nợ đọng lẫn nhau. Ba là tiếp cận vốn. Bối cảnh chung hiện nay trên thế giới và cả Việt Nam là các tổ chức tài chính trở nên thận trọng hơn, trong khi khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn, nhưng quan trọng là khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu vốn ở mức thấp (tín dụng hết gần 5 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 3% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8%). Kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp vẫn bị thu hẹp (do thị trường chứng khoán phục hồi chậm, còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa khôi phục được niềm tin), trong khi đó giải ngân đầu tư công được Chính phủ đôn đốc nhưng còn chậm, nhiều nơi chưa đạt yêu cầu...
Khó khăn lớn thứ ba là nghẽn cả đầu vào lẫn đầu ra. Chi phí đầu vào, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; trong khi đầu ra bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, một số lĩnh vực chỉ mới có tín hiệu phục hồi đơn hàng từ đầu quý 3/2023.
Khó khăn thứ tư là vấn đề lao động. Thị trường lao động thay đổi nhiều sau dịch bệnh, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa theo kịp, vẫn xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu (chỗ thiếu, chỗ thừa), việc làm, thu nhập bị giảm...
Nguyên nhân đến từ cả khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan đã rõ, doanh nghiệp đang ngấm đòn (chưa kể nhiều doanh nghiệp yếu đi nhiều sau dịch bệnh). Nguyên nhân chủ quan đến từ môi trường vĩ mô nội tại và bản thân doanh nghiệp. Nền tảng vĩ mô của chúng ta đang khá tốt, nhưng sức chịu đựng với các cú sốc bên ngoài còn yếu, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào khối FDI (chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, 58% kim ngạch nhập khẩu năm 2022); công nghiệp phụ trợ yếu khiến doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu... Bản thân doanh nghiệp cũng bộc lộ nhiều điểm yếu về quản trị, đầu tư dàn trải, dùng đòn bẩy tài chính nhiều, khả năng quản lý rủi ro và phân tích, dự báo tình hình hạn chế.
Giải pháp hiện nay đang được đưa ra, đã tháo gỡ một phần, nhưng chưa có tính hệ thống và ưu tiên cụ thể. Theo tôi, có bốn nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, cần có đánh giá đúng và trúng thực trạng; từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc. Những vấn đề như đăng kiểm; phòng cháy chữa cháy; visa cho du khách và chuyên gia; hoàn thuế VAT; vi phạm về chứng khoán, bất động sản... cần sớm được giải quyết dứt điểm. Thứ hai, tổ chức thực hiện đúng thời hạn và tốt những quyết sách đã ban hành, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay. Chẳng hạn, trong gần ba tháng qua, hàng loạt quyết sách liên quan đến lĩnh vực y tế, đất đai, bất động sản, xây dựng, tài chính, tín dụng, xuất nhập khẩu đã được tổ chức thực hiện.
Thứ ba, sớm quyết định, ban hành các cơ chế, chính sách bổ sung. Theo đó, với chính sách tiền tệ, ngoài việc cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng; cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay. Với chính sách tài khóa, Chính phủ đã cho phép giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất; cần tiếp tục giảm 2% thuế VAT; cân nhắc gói cho vay trả lương (lãi suất 0%) như đã thực hiện thời dịch Covid-19; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất...) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội (mới có thể cho vay lãi suất thấp và nguồn vốn mồi bền vững); nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương.
Đặc biệt, mọi quyết sách đều cần phân giao trách nhiệm, thời hạn cụ thể, có chế tài nghiêm nếu không thực hiện. Những quyết sách này mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là giải quyết được tâm lý sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Theo đó, cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, vì cái chung cần sớm được cụ thể hóa và nhất quán, đồng bộ thực hiện. Về lâu dài, chính sách tinh giản bộ máy, nâng cao trách nhiệm và chất lượng thực thi công vụ gắn với cải cách tiền lương là cấp thiết.
Trong khó khăn chung, cái khó ló cái khôn (hay bó cái khôn lại) còn phụ thuộc vào xoay xở của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí, giải quyết đúng các cam kết trả nợ (chấp nhận bán tài sản, nếu cần)... Doanh nghiệp cũng cần tính cả bài toán dài hơi hơn như chú trọng quản lý rủi ro, chuyển đổi số và xanh hóa, phát triển bền vững. Đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay.
Cấn Văn Lực