Từ những gì mắt thấy tai nghe, tôi nhận ra giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam không hề thua kém Hàn Quốc, nhưng du lịch Việt chưa tạo ra nét riêng dễ nhớ, mà chủ yếu khai thác triệt để tài sản sẵn có do thiên nhiên ban tặng.
Các làng quê Hàn Quốc đang đối diện với ba vấn đề: thứ nhất là sự di dân thụ động của giới trẻ, gây mất cân bằng nguồn lực ở thành thị và nông thôn; thứ hai là già hóa dân số, tỷ suất sinh giảm, phải dựa vào nguồn lực nước ngoài; và thứ ba là nguy cơ làng biến mất.
Khó khăn chất chồng, người Hàn Quốc cũng tự hiểu mình không có rừng vàng, biển bạc nên họ biến những giá trị tiềm tàng trong nguồn tài sản văn hóa liên quan đến hoạt động sống của người địa phương, tạo nên những sản phẩm đặc thù, không lẫn lộn để đón khách du lịch trong và ngoài nước nhằm giải quyết ba vấn đề trên. Họ đầu tư, bảo tồn, phục tráng khối tài sản vô hình và hữu hình mà địa phương mình có được bằng cách làm có tính toán, chỉn chu, chậm nhưng chắc. Kết quả, "ngành kinh tế không khói" thật sự giúp nhiều địa phương của Hàn Quốc hái ra tiền.
Vài thập niên cuối của thế kỷ trước, thế giới biết đến du lịch Hàn Quốc qua K-drama như đảo Nami, làng cổ Bukchon. Hiện nay, giữa sự sống còn vì những cạnh tranh mới đến từ các quốc gia du lịch khác, Hàn Quốc đang nỗ lực kết nối giao thông, biến những địa phương bị cách trở về địa lý trở nên gần hơn với các trung tâm, thành phố lớn thông qua đầu tư về hạ tầng giao thông như cảng hàng không, đường thủy và đường sắt. Việc này cũng giúp kéo lao động xa quê trở về phục vụ trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, các địa phương của Hàn Quốc được sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của chính phủ để tạo nội dung văn hóa, làm tài sản du lịch. Một ví dụ điển hình là câu chuyện về làng khai thác than đá ở thành phố Taebaek. Cuối thế kỷ trước, mỏ than nơi đây bắt đầu cạn nguồn, không có việc làm, dân bỏ đi hết, làng gần như bị xóa xổ. Nhưng sau thành công bất ngờ của phim "Hậu duệ mặt trời" với phim trường dựng tại một mỏ than bỏ hoang nơi đây, nhà chức trách Hàn Quốc đã nhanh chóng tận dụng sức nóng của bộ phim, biến địa điểm này thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Ngôi làng than đá nhờ đó cũng dần hồi sinh.
Bằng cách làm tương tự, kết hợp tốt giữa phim ảnh, nghệ thuật và du lịch, ngay cả những địa phương tận biên giới liên triều ở vĩ tuyến 38 có tính chất nhạy cảm về chính trị trên dòng sông Hantangang, Imjingang như Cheorwon, Yeoncheon hàng năm cũng thảnh thơi đón gần chục triệu lượt người đến thăm, năm sau cao hơn năm trước.
Thêm một câu chuyện khác. Vài thập niên trước, người Hàn Quốc còn không biết làm gì với bùn ken dày chạy dọc các bãi biển Seohae. Nhưng bây giờ, họ đã biến bùn thành thứ tài nguyên vàng, xuất khẩu ra thế giới. Đầu tiên, thành phố Boryeong, tỉnh Nam Chungcheong đưa lễ hội bùn Boryeong thành một festival chỉn chu, bài bản mang tầm quốc tế. Sau đó, thông qua các hội thảo, họ đưa bùn ra thế giới. New Zealand là nước đầu tiên nhập loại bột bùn này của Hàn Quốc để làm nguyên liệu cho ngành công nghệ mỹ phẩm; sau đó là các quốc gia ở châu Á. Thấy được tiềm năng này, du lịch nông nghiệp của Boryeong đã tiến đến giai đoạn 6.0, là tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, công ăn việc làm cho người dân địa phương trong khâu phân phối. Năm 2024 tới đây, họ sẽ xuất khẩu festival bùn sang New Zealand như một điểm nhấn trong chiến lược quảng bá du lịch theo cách mới.
Từ câu chuyện của họ, tôi thử nhìn lại du lịch nước mình. Chúng ta cũng đang tích cực vực dậy ngành du lịch sau dịch Covid-19. Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững năm 2023, nhiều ý kiến nhận định, du lịch phải dựa vào sản phẩm đặc sắc của địa phương, làm rõ tính địa phương để tạo nét hấp dẫn. Chúng ta đang thiếu các lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế để hút được du khách nước ngoài.
Tôi thấy các địa phương cũng nôn nóng đi tìm tính đặc trưng để tạo ra sản phẩm thu hút giới đầu tư và người làm du lịch. Nhưng nhiều nơi đang triển khai các giải pháp manh mún, thiếu những tính toán căn cơ để đầu tư bài bản.
Chẳng hạn, nhìn vào khu vực du lịch nông nghiệp. Địa phương nào cũng trưng ra các lễ hội nông nghiệp, làm homestay giới thiệu cuộc sống và sản phẩm địa phương cho du khách. Nhưng cách lựa chọn thiếu tinh tế, cách triển khai thiếu sự khôn khéo, dẫn đến tình trạng trùng lặp giữa các vùng miền, khó nhận ra nét riêng.
Trung Quốc đã bắt đầu hướng đi này vào những năm 1950, và nổi dậy từ sau những năm 1990, nên các hoạt động du lịch nông nghiệp của họ phát triển mạnh mẽ. Kế bên Việt Nam là Thái Lan, tính đến 12/11, quốc gia này đã đón hơn 23,4 triệu lượt khách ghé thăm và thu về gần 28 tỷ USD. Những điều này đặt ra chúng ta bài toán lớn: mỗi địa phương phải thật sự nhìn vào nội tại; đặt ra câu hỏi về việc mình thật sự muốn kể chuyện gì cho du khách, chọn câu trả lời đúng và tìm cách bồi đắp, làm giàu giá trị cho sản phẩm mình đã lựa chọn. Không thể dễ dãi chỉ đào sâu, xài cái sẵn có.
Tận dụng cái có sẵn ở từng điểm đến, làm mới chúng bằng cách kết hợp với những giá trị văn hóa, lịch sử, con người địa phương, tôi tin, du lịch Việt Nam sẽ có thêm nhiều câu chuyện, trải nghiệm để thu hút thế giới.
Nguyễn Nam Cường