Sở cảnh sát thành phố Charleston, bang Nam Carolina, ngày 12/3 thông báo phát ông John Barnett, 62 tuổi, chết trong xe riêng bên ngoài một khách sạn hôm 9/3. Ông Barnett cầm một khẩu súng ngắn, trên đầu có vết đạn bắn. Giới chức Charleston thông báo đang điều tra và không nêu thêm thông tin về nguyên nhân ông Barnett qua đời.
Cái chết của Barnett lập tức gây chú ý trong dư luận Mỹ, bởi ông là một "người thổi còi" đứng ra tố cáo các sai phạm về an toàn của Boeing, hãng chế tạo máy bay hàng đầu mà ông từng làm việc suốt 32 năm, trước khi nghỉ việc năm 2017.
Barnett từng là quản lý chất lượng tại nhà máy sản xuất dòng 787 Dreamliner của Boeing ở thành phố Bắc Charleston, bang Nam Carolina. Tại đây, ông lên tiếng tố cáo nhà máy Boeing buộc nhân viên làm việc quá sức, khiến họ lắp phụ tùng không đạt chuẩn, đồng thời cho biết hệ thống cung cấp oxy trên máy bay bị lỗi có thể khiến 25% số mặt nạ dưỡng khí không hoạt động bình thường.
Vào thời điểm tử vong, Barnett đang chuẩn bị hoàn tất quá trình cung cấp lời khai cho phiên xét xử vào tháng 6 liên quan vụ kiện giữa ông và Boeing. Barnett cáo buộc Boeing trù dập ông vì nêu ra các vấn đề trong quá trình sản xuất. Boeing bác bỏ và kiến nghị tòa hủy vụ kiện, nhưng bị từ chối năm 2022.
"Ông ấy đang có tinh thần rất tốt và thực sự muốn bỏ giai đoạn này lại phía sau để tiếp tục cuộc sống. Chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào về khả năng ông ấy muốn tự tử. Không ai có thể tin điều đó", Robert Turkewitz và Brian Knowles, hai luật sư bào chữa cho Barnett từ đầu vụ kiện, nói.
Cái chết của Barnett khiến Boeing lại trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận, trong bối cảnh công ty sản xuất máy bay này đang đối mặt hàng loạt bê bối, gần nhất là sự cố chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines hạ cánh khẩn cấp vì bung tấm bịt cửa trên không giữa tháng 1. Giới chức Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự và áp hạn chế với Boeing, khiến các đơn hàng bị trì hoãn.
Loạt bê bối của Boeing dần bộc lộ từ gần 10 năm trước. Trong chuyến bay tới Nhật Bản năm 2015, kiểm toán viên Cục Hàng không Liên bang (FAA) phát hiện một nhà thầu phụ của Boeing đã làm giả giấy chứng nhận với cửa khoang hàng của hàng trăm chiếc Boeng 777 suốt nhiều năm.
FAA cũng phát hiện kỹ thuật viên Boeing thường bỏ quên dụng cụ trong máy bay hoặc lắp đặt linh kiện không chính xác. Tháng 12/2015, Boeing nộp phạt 12 triệu USD và cam kết thay đổi quy trình nội bộ nhằm đảm bảo tuân thủ quy định trong sản xuất. Giới chức Mỹ gọi án phạt là "lời nhắc nhở mạnh mẽ" rằng mọi công ty, dù lớn đến đâu, đều phải tuân thủ tiêu chuẩn an toàn tối thiểu.
Danh tiếng của Boeing tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau hai tai nạn hàng không chết người liên quan dòng 737 MAX tại Indonesia tháng 10/2018 và Ethiopia tháng 3/2019 khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Hàng loạt quốc gia áp lệnh cấm bay với phi cơ 737 MAX, các đơn hàng bị hoãn, hủy, trong khi Boeing phải chi lượng lớn tiền cho chi phí pháp lý, nộp phạt và bồi thường.
Tháng 4/2019, Barnett trả lời phỏng vấn New York Times, hé lộ ông từng phát hiện các mảnh kim loại sót lại gần hệ thống điều khiển của phi cơ Boeing trong quá trình kiểm tra. Ông đã báo cáo với cấp trên nhưng bị họ điều sang bộ phận khác.
Barnett cho hay ông đệ đơn lên FAA và Cơ quan An toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) tố cáo các sai phạm của Boeing vào tháng 1/2017. Hai tháng sau, Barnett xin nghỉ việc.
Boeing phủ nhận các cáo buộc, nhưng cuộc thanh tra của FAA cùng năm chứng minh một số thông tin Barnett nêu ra là đúng. FAA đã yêu cầu Boeing loại bỏ sạch sẽ các mảnh kim loại gần hệ thống điều khiển trước khi bàn giao máy bay cho khách hàng.
Trong phim tài liệu về dòng 737 MAX, Barnett mô tả Boeing từng giống như một gia đình chăm sóc cho nhân viên. Công ty nhiệt tình đáp lại khi nhân viên phát hiện sai sót, nhưng văn hóa đó dần thay đổi. "Mỗi lần tôi giơ tay và nói 'chúng ta có vấn đề ở đây', họ sẽ công kích thông điệp tôi đưa ra", ông Barnett cho biết trong phim.
Cuộc khủng hoảng hiện tại của Boeing được cho là do các yếu tố như kiểm soát chất lượng kém, cuộc đua giành lợi nhuận và tình trạng chia rẽ trong nội bộ công ty, theo các cựu nhân viên và giới phân tích.
"Dựa trên những gì đã xảy ra, Boeing và chuỗi cung ứng của hãng không nên coi các mục tiêu tài chính là ưu tiên hàng đầu", Aengus Kelly, giám đốc điều hành công ty cho thuê hàng không AerCap, nói với Financial Times.
Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra hình sự với Boeing sau sự cố máy bay bung thân trên không hồi tháng 1. Các dấu hiệu từ cơ quan quản lý, điều tra viên và công tố viên liên bang cho thấy quá trình điều tra khó sớm hoàn tất.
"Boeing rơi xuống vị thế hiện tại sau thời gian dài và sẽ cần nhiều thời gian để thoát ra", Nick Cunningham, nhà phân tích hàng không và quốc phòng tại Agency Partners, trụ sở Anh, nói. "Mọi thứ sẽ không kết thúc trong một năm".
Boeing ngày 12/3 cho biết họ đang hành động dựa trên kết quả kiểm toán của FAA và thiết lập "một kế hoạch toàn diện để tăng cường an toàn và chất lượng, xây dựng lại lòng tin với khách hàng và hành khách". FAA không công bố nội dung kiểm toán, nhưng Michael Whitaker, đại diện FAA, ngày 11/3 cho biết những vấn đề họ phát hiện không chỉ ở trên giấy tờ.
Các công tố viên liên bang đang phối hợp với một đại bồi thẩm đoàn để xác định Boeing liệu có vi phạm thỏa thuận với Bộ Tư pháp năm 2021. Thỏa thuận có thời hạn ba năm, cho phép công ty bồi thường và không phải đối mặt các cáo buộc liên quan hai vụ tai nạn của dòng 737 MAX làm 346 người chết, trong đó Boeing đưa ra cam kết không vi phạm luật hay các điều khoản.
Giáo sư luật John C. Coffee, giám đốc Trung tâm Quản lý Doanh nghiệp tại Trường Luật Columbia, nói Bộ Tư pháp Mỹ đang phải đối mặt bài toán khó. Truy tố Boeing có thể dẫn đến sa thải hàng loạt nhân viên cùng nhiều hệ lụy khác cho một tập đoàn có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, nếu Boeing vi phạm thỏa thuận, công ty này cũng không nên được trao thêm cơ hội, Coffee nói.
Như Tâm (Theo Washington Post, BBC)