Buổi sáng 9/9/1991, vợ chồng Helmut và Erika cùng nhau leo núi trên dãy Otzi Alps, nằm ở biên giới giữa Italy - Áo, theo Independent.
Helmut đi trước và nhìn thấy một thứ lấp ló dưới tuyết. Người chồng nghĩ đó là rác của những người leo núi để lại. Khi hai vợ chồng tiến lại gần, họ phát hiện ra dưới tuyết là xác chết nằm sấp. Helmut lúc đó chỉ nghĩ rằng đây là thi thể xấu số của một du khách nào đó. Họ đã chụp lại ảnh của bộ xương và điện báo cho cảnh sát.
Tuy nhiên, đây lại là một phát hiện mang tính lịch sử của nhân loại. Xác ướp mà hai vợ chồng tìm thấy có niên đại từ thời đồ đồng, khoảng 5.300 năm trước. Nó được các nhà khoa học đặt cho tên gọi Iceman Otzi (Người băng Otzi) và cả thế giới thời điểm đó đã phát sốt vì sự việc này.
Các nhà khoa học đã tái tạo giọng nói của Người băng và công bố vào năm 2016.
(Cân nhắc trước khi xem)
Helmut rất thích thú về phát hiện của mình và thường nói các vị thần đã chỉ lối cho ông tới gặp Người băng. Nhưng sau đó, khi thất bại trong vụ kiện tăng tiền thưởng (ban đầu là 5.000 euro) cho phát hiện vô giá của mình, Helmut trở nên giận dữ. Tháng 10/2004, khi đã ở tuổi 67, ông một mình trở lại ngọn núi nơi tìm thấy Người băng. Và đó cũng là chuyến đi cuối cùng trong đời ông.
Một số thông tin liên quan đến Người băng
Ba tuần sau đó, người ta tìm thấy thi thể của Helmut, nằm trong tư thế giống hệt như tư thế của Người băng. Nhiều người tin rằng, Helmut chết vì "lời nguyền của xác ướp".
Nạn nhân đầu tiên của lời nguyền này được cho là tiến sĩ, chuyên gia pháp y Rainer Henn. Ông là người đã khám nghiệm và đặt Người băng vào túi đựng xác để di chuyển. Năm 1992, Rainer gặp tai nạn xe hơi trên đường đến buổi nói chuyện về Otzi. Khi đó, ông 64 tuổi.
Người tiếp theo là Kurt Fritz, 52 tuổi, người đã dẫn đường cho Rainer đến nơi Người băng được tìm thấy. Kurt cũng được hưởng lợi không ít từ xác ướp cổ đại này. Ông được nhận tiền thưởng và sau đó tổ chức các tour du lịch dẫn khách đến tham quan nơi Người băng nằm trên núi. Kurt chết vào năm 1993 trong một trận lở tuyết lớn. Điều đáng chú ý là trong tai nạn đó, chỉ có Kurt, người leo núi giàu kinh nghiệm, tử nạn. Những người khác trong đoàn đều an toàn.
Nhà làm phim 47 tuổi Rainer Hoelzl là nạn nhân thứ 3. Anh là người đưa những tư liệu về Người băng lên màn ảnh và công bố ra khắp thế giới. Rainer chết vào năm 2004 vì u não. Nạn nhân thứ 4 là Helmut Simon.
Dieter Warnecke, 45 tuổi, là cái tên thứ 5. Anh là người trong đội tìm kiếm và phát hiện ra cái chết của Helmut. Dieter chết vì lên cơn đau tim trong đám tang Helmut.
Khi nghe về lời nguyền liên quan tới Người băng, một trong những xác ướp mà mình từng nghiên cứu, giáo sư sử học của đại học Innsbruck, Konrad (Áo) Spindler tuyên bố ông không tin vào những điều nhảm nhí, thiếu khoa học như vậy. Ông sau đó chết vì bệnh đa xơ cứng.
Nạn nhân thứ 7 là nhà khảo cổ 63 tuổi, người Mỹ, Tom Loy. Ông chết tại nhà riêng ở Brisbane, Australia. Khi đó, ông đang trong quá trình hoàn thiện cuốn sách viết về Người băng và từng có những phát hiện thú vị về xác ướp cổ này. Cũng giống Konrad, Tom không tin vào những lời nguyền. "Đó là điều nhảm nhí. Người đã chết sao có thể hại ai".
Phó giám đốc quan hệ công chúng Katharina Hersel của bảo tàng South Tyrolean, Italy, nơi đặt Người băng, khẳng định lời nguyền xác ướp là điều khó tin. Cô đã chỉ ra rằng, cái chết của 7 người được kể phía trên đều không có gì mang màu sắc bí ẩn hoặc huyền bí. Phần lớn mọi người chết vì bệnh tật và tai nạn giao thông. Đây là nguyên nhân chết của rất nhiều người trên thế giới. Về trường hợp của Helmut, "cha đẻ" tìm ra Người băng, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng việc chết vì gặp bão tuyết, thời tiết xấu khi leo núi rất bình thường.
Khi còn sống, giáo sư Konrad cũng cho rằng, lời nguyền Otzi đang bị cường điệu giống như điều tương tự tại ngôi mộ của Tutankhamun.
Tuy nhiên, dù nhiều nhà khoa học phản bác các thế lực siêu nhiên, thì vẫn có rất nhiều người tin vào điều này. Đó cũng là một trong những lý do giúp bảo tàng South Tyrolean "ăn nên làm ra". Mỗi năm, họ đón khoảng 300.000 du khách tới tham quan và thu về lợi nhuận gần 4,7 triệu euro (vé vào cửa người lớn là 9 euro, miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi).
"Lời nguyền có thật hay không, là do bạn có tin vào nó hay không", một du khách đã để lại bình luận trên website chính thức của bảo tàng.