Cậu bé được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh ở phòng tắm với sợi dây giày trên người. Gia đình cho rằng Joshua đã thực hiện thử thách mất ý thức tạm thời (Blackout Challenge) trên mạng xã hội TikTok.
Joshua không phải là nạn nhân duy nhất. Đầu năm 2021, một bé gái 10 tuổi ở Italy cũng thiệt mạng vì trào lưu tai hại này.
Mạng xã hội đã chứng kiến sự bùng nổ của các thử thách vui vẻ, nhẹ nhàng hoặc có mục đích từ thiện. Năm 2014, thử thách xô nước đá giúp quyên góp hàng triệu USD tài trợ cho nghiên cứu về bệnh Lou Gehrig, còn được gọi là bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS). Thử thách nhảy InMyFeelings giúp mọi người giải trí trong mùa hè năm 2018.
Nhưng bên cạnh đó là những trào lưu nguy hiểm và có thể gây chết người. Ví dụ, thử thách Benadryl xuất hiện vào năm 2020 yêu cầu người tham gia uống lượng lớn thuốc Benadryl để gây ảo giác. Thử thách virus corona khuyến khích mọi người liếm các bề mặt ở nơi công cộng.
Các thử thách trên mạng xã hội thu hút rất nhiều thanh thiếu niên. Các bạn trẻ nhìn vào bạn bè mình để nắm bắt xu thế, bắt chước để trở nên "ngầu", nổi tiếng hơn. Tuy nhiên, nhóm này cũng dễ thực hiện những hành vi nguy hiểm hơn.
"Về mặt sinh học, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè đồng trang lứa. Trên mạng xã hội, ảnh hưởng đó còn lớn và nguy hiểm hơn. Các em bị cuốn theo các thử thách và lầm tưởng rằng chúng vô hại khi thấy người thực hiện không bị thương. Điều đó khiến trẻ dễ làm theo các hành động nguy hiểm", theo Mitchell Prinstein, giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý Mỹ.
Khả năng đánh giá rủi ro của trẻ vị thành niên vốn không bằng người lớn. Khi thấy bạn bè tham gia thử thách và được tung hô qua những lượt thích hay bình luận, các em càng có thêm động lực để bắt chước. Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Psychological Science (Khoa học Tâm lý) cho thấy thanh thiếu niên có xu hướng bấm thích theo trào lưu.
Khi một người xem ảnh với nhiều lượt thích, các phần não bộ liên quan đến việc bắt chước sẽ hoạt động mạnh hơn. Prinstein nói: "Những đứa trẻ này đang bị ảnh hưởng ở mức độ vượt quá nhận thức của chúng". Trước đây, sau khi trẻ em tan học trở về nhà, sự tương tác với bạn bè bị hạn chế. Nhà gần như là nơi tách biệt với áp lực xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội, trẻ tiếp xúc với các bạn ở mọi thời điểm.
Jacqueline Nesi, giáo sư tâm thần học và hành vi con người tại Đại học Brown, Rhrode Island, cho biết: "Mạng xã hội độc đáo ở chỗ nó mang đến một diễn đàn với lượng lớn khán giả, giúp người dùng kết nối với bạn bè trong tích tắc và có cơ chế phản hồi dưới dạng lượt thích, lượt xem hay bình luận. Những yếu tố này tạo ra động lực lớn để người dùng tìm cách tăng tương tác và ủng hộ từ bạn bè".
Theo Prinstein, có bốn cơ chế gây áp lực cho trẻ vị thành niên, đến từ bạn bè chúng:
- Nỗi sợ bị bỏ rơi: Trong trường hợp này, nếu không làm theo yêu cầu của bạn bè, trẻ sẽ bị xa lánh và nghỉ chơi. Trước khi mạng xã hội xuất hiện, áp lực này chỉ đến từ tương tác trực tiếp. Giờ đây, nó có thể ập đến bất cứ lúc nào.
- Cổ súy các hành vi lệch lạc: Thanh thiếu niên được cổ vũ để thực hiện những hành động thật "ngầu" và "chất", nhưng thực tế có thể gây nguy hiểm và phạm pháp.
- Đánh giá sai lệch: Thanh thiếu niên luôn cố gắng để hiểu thế nào là bình thường và liệu họ có hòa nhập với số đông hay không. Mạng xã hội có thể làm phức tạp quá trình này và đánh lừa giới trẻ. Nếu màn hình điện thoại của một thiếu niên xuất hiện 20 bài đăng về thử thách virus corona, người đó sẽ nghĩ thử thách này là bình thường, kể cả khi thực tế chỉ có 20 người tham gia.
- Cải thiện hình ảnh bản thân: Người trưởng thành có xu hướng tự tin về bản thân hơn, nhưng trẻ vị thành niên lại nhìn nhận bản thân dựa trên phản hồi tốt và xấu của bạn bè. Nếu một người bạn trên mạng thực hiện một thử thách nổi tiếng và nhận được hàng trăm lượt thích, trẻ sẽ có động lực để làm điều tương tự.
Cha mẹ cần trao đổi sát sao với con về những trào lưu trên mạng. Giáo sư Nesi cho rằng điều quan trọng nhất phụ huynh có thể làm là thảo luận cởi mở.
"Hãy hỏi con bạn, yêu cầu con cho bạn xem những tài khoản con theo dõi, tìm hiểu nguồn gốc của chúng. Nhắc con tìm đến bạn để chia sẻ khi gặp chuyện buồn".
Theo giáo sư Nesi, phụ huynh nên để con chia sẻ quan điểm về các trào lưu. Bạn có thể hỏi con tại sao mọi người hùa theo và họ có thể gặp rắc rối ra sao khi làm vậy.
Trao đổi về những mối nguy trên mạng không đơn giản bởi phụ huynh không chịu áp lực như con trẻ. Prinstein cho hay: "Nhiều bậc cha mẹ sẽ cảm thấy bất lực nhưng họ phải vượt qua điều đó. Chúng ta cần dành nhiều thời gian, công sức để lắng nghe và tìm hiểu ý nghĩ, cảm xúc của con trước các hiện tượng mạng xã hội".
Mai Dung (Theo SCMP)