Em được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cấp cứu tối 17/1, bàn tay trái bị dập nát, máu chảy nhiều. Bác sĩ Trương Hữu Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết sau khi sơ cứu đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Bác sĩ Nguyễn Thành Minh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, ngày 19/1, cho biết bệnh nhân được bệnh viện địa phương chuyển đến với vết thương dập nát bàn tay trái, mất một phần ngón thứ hai.
Các bác sĩ mổ đêm 18/1, cắt lọc loại bỏ mô chết, mô dập và chất dơ, tháo bỏ ngón thứ hai. "Dự kiến bệnh nhân phải mổ thêm một, hai lần nữa để cắt lọc mô hoại tử và ghép da", bác sĩ Minh nói.
Các bác sĩ khuyến cáo không sử dụng điện thoại khi đang cắm nguồn sạc. Đây là thói quen "chết người" mà rất nhiều người mắc phải. Đối với nạn nhân chấn thương do điện thoại phát nổ khi sạc, cần nhanh chóng ngắt nguồn thiết bị để tránh điện giật. Băng bó vết thương, bất động chi và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Cách đây không lâu, cậu bé 16 tuổi ở Hà Nội bị thương nghiêm trọng phải cắt bỏ bàn tay do sử dụng điện thoại trong khi sạc. Một thanh niên 23 tuổi ở Đồng Nai cũng sử dụng điện thoại lúc sạc pin, thiết bị phát nổ làm dập nát bàn tay phải cắt bỏ.
Năm 2019, nam thanh niên 25 tuổi ở Quảng Trị vừa sạc điện thoại vừa chơi game. Khi điện thoại nổ làm dập nát bàn tay trái, anh hốt hoảng bỏ chạy, vấp phải nồi nước sôi bỏng nặng thêm phần chân, lưng.
Ba năm trước, người đàn ông 40 tuổi ở TP HCM được đưa vào viện cấp cứu vì bị điện giật trong lúc vừa cắm sạc pin vừa nghe điện thoại. Tháng 10/2015, bé trai 13 tuổi ở TP HCM cầm chiếc điện thoại của chú khi đang sạc thì bị điện giật tử vong.
Phước Tuấn - Lê Phương