"Cải cách tiền lương không phải chỉ lo cho bộ máy hệ thống chính trị mà cả người hưởng lương hưu, người có công và nhiều chính sách an sinh xã hội khác nhằm cải thiện, nâng cao đời sống người dân", bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sáng 24/1.
Bà Mai nêu thực trạng nhiều người dân chỉ cần mắc bệnh mạn tính, nguy hiểm hoặc cú sốc về kinh tế là có thể "ngay lập tức rơi vào khánh kiệt". Vì vậy, chính sách cải cách tiền lương phải góp phần xây dựng mạng lưới an sinh đủ mạnh để người dân không bị rơi xuống dưới.
Thường trực Ban Bí thư nói hiện chỉ có khoảng 30% người cao tuổi tham gia BHXH, như vậy hơn 60% người lao động khi bước vào tuổi già không có nguồn thu ổn định. Trong khi đó, trợ cấp xã hội dù đã tăng cũng rất thấp. Chính sách BHXH, chính sách an sinh phải trở thành những trụ cột, được quan tâm để hàng chục triệu người khi về già không rơi vào kiệt quệ kinh tế.
Thường trực Ban Bí thư nhắc lại thời điểm lần đầu trình Luật Bảo hiểm Y tế 2009, Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 20% người dân tham gia BHYT. Khi đó, hộ cận nghèo được hỗ trợ 75% để tham gia nhưng đa phần không đủ tiền chi trả. Đến nay, mức hỗ trợ tăng lên cùng với sự thay đổi về nhận thức nên tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90%. Nhờ vậy, người dân khi ốm đau đã có bảo hiểm y tế chi trả.
Bà Trương Thị Mai cho rằng cần đặt mục tiêu năm 2030 người nghèo, người dân tộc thiểu số có thể đi trực tiếp đến tuyến trung ương để chữa trị và được chi trả bằng BHYT. "Đây là những chính sách cần được tiếp tục cải thiện. Chúng ta cần dần trả lời câu hỏi người tham gia BHYT có thể đi bất kỳ tuyến nào để điều trị được hay không?", bà nói, đề nghị MTTQ Việt Nam bám sát thực tiễn cuộc sống, tạo đồng thuận và làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng và nhân dân.
Hồi tháng 11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó yêu cầu Chính phủ rà soát, hoàn thiện chính sách tiền lương, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và phát triển diện tham gia. Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức trên toàn quốc sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay cho chính sách tiền lương thấp, chưa tạo động lực hiện nay.
Bộ Nội vụ đã xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm. Theo đó, có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, 6 vị trí công chức xã.
Chính phủ đã cố gắng trích lập quỹ lương, tăng thu giảm chi, đến nay có khoảng 560.000 tỷ đồng tiết kiệm chi cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết năm 2026.
Báo cáo tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói năm 2023, chính sách người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng một tháng, tăng 6,9%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, hiện còn 2,93%.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được khắc phục, nâng lên. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76% (thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%); các chính sách, chế độ hỗ trợ cho người lao động, nhất là lao động bị mất việc, giảm giờ làm, thực hiện hiệu quả .
Năm 2024, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%), cắt giảm chi thường xuyên; tiếp tục triển khai Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội, năm 2024 hoàn thành tối thiểu 130.000 căn.
Chính phủ cũng khẩn trương hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 1/7; thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.