"Đối với chúng tôi, giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 là một cú sốc lớn", ông Hà Thúc Tú, Giám đốc điều hành chi nhánh miền Nam công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) nhớ lại giai đoạn 400 nhà hàng với 20 thương hiệu mà công ty điều hành đột ngột mất doanh thu.
Cảm xúc này được ông Tú chia sẻ tại Hội nghị Thương Hiệu 2020 với chủ đề "Xây dựng thương hiệu thời Covid-19" do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 17/12.
Ông Tú cho biết, lúc dịch ập đến, để tìm cách xoay sở, công ty đẩy mạnh tiếp thị trực tuyến, giao hàng tận nhà. Khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, công ty lại quay về những yếu tố truyền thống, tập trung đảm bảo an toàn phòng chống dịch như thực hiện giãn cách, đo thân nhiệt, khử trùng, khẩu trang... để thu hút mọi người an tâm đến ăn uống trở lại.
Với 30Shine - chuỗi cắt tóc nam có hơn 90 chi nhánh toàn quốc cũng được ông Bùi Quang Hùng, Giám đốc Marketing cho biết, giai đoạn đóng cửa khi giãn cách xã hội đã gây tổn thất lớn cho công ty. "Ảnh hưởng sau đó cũng kéo dài vì đây là ngành làm đẹp mà mọi người ít ra đường hơn thì làm đẹp cho ai ngắm. Thế nên, cơ hội kinh doanh với chúng tôi cũng ít đi", ông nói.
Giai đoạn giãn cách, khi mọi người không thể đến cắt tóc, 30Shine tìm cách kiếm doanh thu bằng việc bán trước các gói ưu đãi. Ông Hùng cho rằng, khi mọi thứ rất xấu, tất cả phải phụ thuộc lớn vào uy tín sẵn có. "Nếu một thương hiệu mà người ta không tin sẽ sống được sau dịch thì ai dám bỏ tiền mua ưu đãi trước. Nhưng chúng tôi đã làm được và đó là thành quả công ty đã dày công xây dựng", ông nói.
Ở tâm thế ngược lại, ông Lưu Anh Tiến, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Con Cưng nói rằng, công ty đã đón nhận Covid-19 rất nhẹ nhàng. "Chúng tôi bảo: Ồ, đây có thể là một cơ hội", ông Tiến nói và cho biết vì công ty đã quen với khó khăn khi vừa trải qua thời gian "giông bão" trước đó liên quan đến nghi án thay đổi nhãn mác.
Ông Tiến cho biết thêm, lúc Covid-19 ập đến, ban lãnh đạo khi ấy cũng đi tìm đọc lại lịch sử các trận dịch trước. Họ kết luận giai đoạn bất thường này phải tính bằng năm chứ không thể vài tháng và lên phương án nếu có phong tỏa, hành vi khách hàng thay đổi ra sao.
"Bán nhu yếu phẩm cho trẻ em cũng là may mắn. Giai đoạn ở nhà, nhu cầu lại tăng rất mạnh. Nên lúc đó, chúng tôi chỉ làm hai việc là luôn có đủ hàng hoá và tiếp cận các kênh trực tuyến, tuyên truyền với các ông bố bà mẹ rằng không cần phải tích trữ, chỉ cần đặt hàng là 30 phút chúng tôi giao đến", ông Tiến kể lại.
Dù có những trải nghiệm khác nhau qua mùa dịch, các đại diện đều có một số kinh nghiệm và dự báo chung về tương lai của ngành bán lẻ, dịch vụ.
Đầu tiên là xu hướng chuyển đổi số ngày một rõ nét. Ông Lưu Anh Tiến cho biết, việc Con Cưng vượt qua mùa dịch nhẹ nhàng một phần là nhờ số hoá. Suốt 10 năm qua, công ty xem đây là điều hiển nhiên và đã làm ngay từ đầu khi thành lập. "Chúng tôi xây dựng hệ thống quản lý khách hàng, quản lý hàng hóa ngay từ đầu và ngày càng tìm cách ứng dụng tự động hóa", ông nói.
Trong khi đó, ông Hà Thúc Tú thừa nhận ngành nhà hàng khá chậm trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, Golden Gate đang thiết lập ứng dụng ERP vào quản trị doanh nghiệp dù việc này được đánh giá là không dễ với lượng nhà hàng như hiện tại.
Công ty này cũng đã có ứng dụng để khách hàng tích điểm, đặt hàng, đặt bàn hay gọi giao hàng...và dự định sẽ tích hợp thêm nhiều tính năng trong thời gian tới. "Chuyển đổi số là nhiệm vụ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải thực thi trong giai đoạn 4.0 này", ông Tú nói.
Thứ hai là triển vọng lớn ngay tại thị trường nội địa, khi Gen Z (những người sinh từ năm 1996) ngày càng trở thành lực lượng tiêu dùng chính. Đại diện Golden Gate đánh giá thị trường nội địa còn tiềm năng rất lớn, nên 3 năm tới vẫn tập trung vào thị trường này.
"Chỉ trong vòng 3 năm tới, Gen Z chiếm 1/3 dân số. Đó không chỉ là cơ hội của chúng tôi mà là tất cả doanh nghiệp khác", ông Tú nói và cho biết công ty đã có những gói dịch vụ ưu đãi riêng cho phân khúc này mà không đặt nặng lợi nhuận.
Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Hùng khẳng định, Gen Z với công ty là tệp khách hàng cực kỳ quan trọng, vì tinh thần của họ và 30Shine khá tương đồng. "Họ thích thể hiện cá tính, cái tôi ...và chúng tôi cổ vũ tinh thần ấy, thậm chí là tung ra những ưu đãi 'lỗ' để ủng hộ họ", ông Hùng tuyên bố.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam dự báo, chỉ 5 năm nữa, thế hệ Z sẽ nhanh chóng chiếm phần đông trong tổng số người tiêu dùng Việt Nam. Thậm chí, ở hiện tại, nhiều người đang nghĩ Gen Z không có tiền nhưng thực sự là họ có quyền ảnh hưởng. Họ chính là người dẫn dắt bố mẹ - những người chi tiền - lựa chọn ra ngoài ăn uống và mua sắm.
"Gen Z là thế hệ online và chúng tôi đang dồn hết sức cho online. Chúng tôi hy vọng 50% doanh số trong 2 năm nữa là từ kênh online", ông Lưu Anh Tiến chia sẻ chiến lược. Trong khi đó, để làm hài lòng các khách hàng Gen Z mua sắm trực tiếp, theo ông cửa hàng kinh doanh cũng cần đẹp hơn và tiện lợi hơn.
Viễn Thông