Từ trước Tết, bà chị dưới quê của tôi chia sẻ một bài viết qua tin nhắn, trong đó bảo rằng người bán hàng nếu nhận chuyển khoản, thì nên dặn khách không được ghi "trả tiền", "thanh toán"... vì sợ bị truy thu thuế.
Tuần trước tôi đi ăn bát phở 45 nghìn, đưa tờ 500 nghìn thì chị chủ lắc đầu, bảo chưa có tiền thối vì mới mở hàng. Chị cau có: "Mới sáng ra mà ai cũng đưa tờ 500 nghìn, 200 nghìn, tiền đâu mà thối".
Tôi hỏi chuyển khoản được không thì chị lắc đầu tiếp: "Giờ sợ lắm, không nhận nữa đâu". Tôi bảo là hay chị cho số tài khoản của chồng, con gì cũng được, để tôi chuyển qua cho nhanh, chị cũng từ chối.
Cuối cùng, tôi phải nhờ một người ngồi ăn bên cạnh chuyển khoản giúp 200 nghìn, nhưng phải canh người nào có hai tờ 50 nghìn và một tờ 100 nghìn để cho chủ dễ trả lại.
Theo dòng thời sự, từ đầu tháng 6, rất nhiều hàng quán nhỏ lẻ, tiệm tạp hóa, quán cà phê hay thậm chí cả người bán hàng online bắt đầu từ chối chuyển khoản.
Nguyên nhân được cho là từ thay đổi chính sách thuế, cụ thể là việc các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng một năm thuộc nhóm ngành dịch vụ ăn uống, bán lẻ... phải dùng máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế, xuất hóa đơn điện tử theo từng giao dịch.
Điều đó đồng nghĩa với việc doanh thu thực tế sẽ bị kiểm soát chặt hơn, chứ không còn "khoán" kiểu ước lượng như trước. Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều người kinh doanh nhỏ đang phản ứng không theo hướng thích nghi mà lại theo kiểu đối phó: Sợ thuế nên dừng hẳn chuyển khoản.
Chọn cách quay về tiền mặt và nghĩ rằng như vậy là an toàn hơn. Nhưng nếu nhìn kỹ, đó lại là một lựa chọn... tự gây khó cho chính mình.
Trước hết, từ chối chuyển khoản là từ chối sự tiện lợi mà khách hàng vốn đã quen thuộc. Rất nhiều người giờ đây đi chợ, đi ăn, mua đồ đều dùng điện thoại để quét mã. Nếu bạn không cho họ quét, rất có thể họ sẽ quay lưng sang quán khác có mã QR.
Trong thời buổi buôn bán cạnh tranh từng đồng, từng khách, việc "làm khó khách" chính là tự thu hẹp đường sống.
Thứ hai, dù khách đưa tiền mặt hay chuyển khoản, thì cũng phải bấm hóa đơn vào máy kia mà? Tôi nghĩ, khách hàng cần đòi hóa đơn sau mỗi lần thanh toán. Cơ quan thuế cũng nên "tập" cho khách lấy hóa đơn bằng cách in mã xổ số dự thưởng lên hóa đơn, như Đài Loan đang làm.
Thực ra, công nghệ không làm người bán yếu đi, mà giúp họ mạnh lên – nếu chịu học và áp dụng.
Về góc nhìn rộng hơn, việc né tránh nghĩa vụ thuế bằng cách lẩn tránh giao dịch điện tử là đi ngược với mục tiêu xây dựng một xã hội minh bạch, công bằng. Ai kinh doanh, có thu nhập đều cần đóng thuế.
Khi một bộ phận cố tình né thuế, gánh nặng lại dồn lên những người tuân thủ: những nhân viên văn phòng, chẳng hạn.
Tôi hiểu nỗi lo của người bán, phải đầu tư máy móc, phải kê khai, phải sợ sai sót khi làm kế toán, nhưng không thiếu giải pháp nếu thực tâm muốn làm đúng. Vấn đề là người kinh doanh có sẵn sàng thay đổi tư duy từ né sang đồng hành với xu thế chung hay không.