Trong tọa đàm "Tạo dựng văn hóa doanh nghiệp để thích ứng linh hoạt với đại dịch" ngày 20/12, ông Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam - cho rằng cuộc khủng hoảng từ đại dịch khiến mọi người hiểu rộng, đầy đủ hơn về văn hóa doanh nghiệp. Nó không đơn thuần là tạo dựng được môi trường làm việc đảm bảo, mà trong đó các thành viên ứng xử với nhau một cách văn minh, cấp lãnh đạo phải chăm lo đời sống, tinh thần người lao động.
Chuyên gia gợi mở cũng từ đợt dịch, một số tập đoàn lớn trên thế giới đã xây dựng khái niệm "doanh nghiệp kiên cường" và văn hóa ấy mang tính chất bao chùm, mở rộng hơn. Lối ứng xử, chăm lo cuộc sống người lao động là nền tảng ban phát triển, vươn tới những điều lớn lao hơn về sau.
Theo đó, một doanh nghiệp kiên cường (có khả năng chống chọi mọi biến động, bao gồm dịch, suy thoái kinh tế) cần nhiều yếu tố, trong đó công tác quản trị được xem là nét văn hóa quan trọng, góp phần nâng cao tính minh bạch trong mọi hoạt động, thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng giữa người quản lý với cổ đông, khách hàng, đối tác hay nhân viên với nhau...
Lãnh đạo cấp cao cần có tầm nhìn dài hạn, thay đổi cách nghĩ, cách làm để tạo ra môi trường văn hóa mới, hình ảnh mới cho doanh nghiệp của mình. Trong đó lấy con người làm trung tâm, chú trọng bảo vệ công nhân viên, đối tác, nhà đầu tư hay bạn hàng ...
Bên cạnh đó, chuẩn bị trước mọi rủi ro là yếu tố văn hóa nên được thấm nhuần ở lãnh đạo cấp cao, đội ngũ quản lý đến nhân viên bên dưới.
"Để làm được điều này, người đứng đầu cần xây dựng chiến lược quản lý rủi ro, những kịch bản khác nhau để đối phó với mọi tình huống bất ngờ", ông Duy Bình nhấn mạnh và lý giải có rất nhiều điều rình rập doanh nghiệp lẫn người lao động, không chỉ riêng dịch. Bất cứ hoàn cảnh nào, lãnh đạo cấp cao cũng nên có phương án dự phòng và những biện pháp hỗ trợ nhân viên, đối tác, khách hàng kịp thời.
Ở phần tham luận trước đó, ông Bình chỉ ra vô vàn khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt thời dịch, nhất là công tác dịch tễ. Làm thế nào tổ chức môi trường sản xuất an toàn, kiểm soát dịch bệnh, không để xảy ra rủi ro về mặt con người lẫn pháp lý là nỗi lo chung.
Tình hình thực tế lúc đó chưa từng có tiền lệ, thậm chí vô tiền khoáng hậu và khó thể hình dung diễn tiến. "Để xảy ra F0, dịch lây lan là lỗi của doanh nghiệp, họ sẽ phải chịu các rủi ro, khó khăn nhất định", ông Duy Bình nói. Tuy nhiên, các đơn vị buộc phải duy trì vận hành, tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ một cách bình thường. Vì vậy, họ phải xoay xở bằng nhiều cách, áp dụng "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến" hoặc nhóm mô hình bong bóng...
Doanh nghiệp phải chú ý nhiều hơn đến công tác vệ sinh, an toàn lao động, nâng cao năng lực y tế để việc sản xuất diễn ra trơn tru. Bên cạnh đó là hỗ trợ cán bộ công nhân viên và người nhà của họ.
Quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp cũng diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất và hạn chế tiếp xúc giữa người lao động, chỉ đối mặt khi cần thiết nhưng phải đảm bảo giãn cách. Với khách hàng, đối tác... doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh, thiết lập quy trình giao dịch mới, cung ứng dịch vụ linh hoạt, hạn chế giao tiếp, nhưng vẫn giữ chữ tín.
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp thành công nhờ áp dụng đúng cách sản xuất thời dịch, nhưng cũng có vô số đơn vị vì khó khăn riêng, chỉ thực hiện được một vài biện pháp.
Tọa đàm "Tạo dựng văn hóa doanh nghiệp để thích ứng linh hoạt với đại dịch" nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021, do VnExpress và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp tổ chức. Nội dung thảo luận xuyên suốt ViEF 2021 là "giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030".
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công - tư để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật trong giai đoạn mới...
Thi Quân