Mỗi ngày trong tháng 3, trên Twitter xuất hiện khoảng 46.000 bài đăng mới có liên hệ với thông tin giả hoặc sai lệch về Covid-19, theo nghiên cứu của Quỹ Bruno Kessler (Italy).
Tránh đọc hay chia sẻ phải tin tức giả về Covid-19, Reyhaneh Maktoufi, người nghiên cứu về thông tin sai lệch thuộc Quỹ Rita Allen, đã đề xuất quy trình ba bước: kiểm tra nguồn tin, tác giả, và nội dung.
Khi thấy nguồn tin lạ, bạn đầu tiên cần tra cứu để chắc chắn đây là tổ chức đưa tin chính thống. Ví dụ, trang web của các tổ chức y tế lớn như Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là hai trong số nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy về Covid-19.
Khi đã chắc chắn, bạn cần xem xét tới tác giả. Bạn hãy tự hỏi như liệu tác giả có phải chuyên gia về đại dịch hay chỉ là nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan?
Ngoài ra, bạn không nên dựa dẫm vào một nguồn tin duy nhất mà hãy kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn tin khác nhau. Nếu các nguồn đáng tin cậy khác nhau đều đưa ra cùng kết luận, nội dung đang đọc sẽ xác thực hơn.
Để xác thực nội dung đã đọc, bạn cần chú ý tới nhiều yếu tố, trong đó có thời điểm đưa tin. Điều này đặc biệt quan trọng với tin tức liên quan Covid-19 vì thông tin thường thay đổi từng ngày, từng giờ.
Tiếp theo, bạn hãy cố xem xét thông tin trong bài được lấy từ đâu, có phải từ chuyên gia về đại dịch, từ WHO, hay từ tổ chức đáng tin cậy khác? Nếu trong bài có đặt đường link dẫn nguồn, bạn hãy nhấn vào đường dẫn đó để trực tiếp xác thực dữ liệu. Ngoài ra, bạn đừng chỉ đọc tiêu đề bài báo được chia sẻ trên mạng trực tuyến mà hãy đọc cả bài trước khi chia sẻ.
Chuyên gia Vraga cho biết cần có thái độ nghi ngờ, đặc biệt là khi nhìn thấy tiêu đề "quá tốt tới mức khó tin" hoặc những bài báo đánh vào cảm xúc, thay vì có cách tiếp cận bình tĩnh, điềm đạm.
Một phần khác trong việc kiểm chứng nội dung tin tức là xem xét tính chính xác của nghiên cứu khoa học được nêu ra làm căn cứ. Thông thường, nghiên cứu khoa học phải được các nhà nghiên cứu không liên quan khác bình duyệt nghiêm ngặt trước khi được đăng tải trên tạp chí khoa học đáng tin cậy.
Quá trình bình duyệt có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, nhưng vào thời điểm chưa từng có trong lịch sử như hiện nay, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã gác lại công việc thông thường và tập trung vào Covid-19 để đẩy nhanh tiến độ. Ngày 19/2, Reuters đưa tin trong 153 nghiên cứu đã được đăng tải về Covid-19, 92 nghiên cứu chưa được bình duyệt, ba nghiên cứu bị thu hồi.
Vì thế, khi bắt gặp tin tức về nghiên cứu khoa học, bạn cần tìm hiểu xem nghiên cứu này đã được bình duyệt hay chưa? Người làm nghiên cứu có thuộc trường đại học danh tiếng không? Nếu nghiên cứu này được báo chí đưa tin rộng rãi, ý kiến của các chuyên gia độc lập như thế nào?
Cuối cùng, nếu lỡ chia sẻ thông tin không chính xác, bạn tốt nhất cần xóa bỏ bài đăng gốc và tạo bài đăng, email, hoặc tin nhắn mới để đính chính. Một cách khác là bạn có thể đăng thông tin cải chính ngay ở bài đăng gốc, tuy nhiên bản đã sửa có thể không hiện lên trên bảng tin của người khác.
Tại một số nước trên thế giới, hành vi phát tán tin giả bị nghiêm cấm và có thể đối diện mức phạt nặng. Ví dụ ở Singapore, Đạo luật Bảo vệ trước tin giả và bịa đặt trực tuyến quy định người nào cố ý truyền bá những lời khẳng định mà biết hoặc có căn cứ biết là sai sự thật nhằm bôi nhọ nhà nước, ảnh hưởng xấu tới an ninh, kích động thù hận,... sẽ đối diện mức phạt tối đa 50.000 SGD và 5 năm tù.
Tháng 3/2019, Nga đã ban hành đạo luật cho phép xử phạt người nào lan truyền tin giả trên mạng trực tuyến dẫn đến "vi phạm an ninh quy mô lớn" sẽ bị phạt tới 400.000 rúp. Tại Pháp, hình phạt cho người vi phạm đạo luật chống tin giả có thể lên tới một năm tù và 75.000 Euro.
Quốc Đạt (Theo Smithsonian Magazine)