Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, sửa đổi bổ sung năm 2012; Luật sửa đổi một số điều của các Luật về thuế năm 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cách tính thuế thu nhập cá nhân của người kinh doanh và người làm công ăn lương được xác định như sau:
Cách tính thuế thu nhập cá nhân của cá nhân kinh doanh
Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ doanh thu với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trong đó:
- Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
- Thuế suất:
+ Đối với lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%;
+ Đối với lĩnh vực dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%;
+ Đối với hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%;
+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%;
+ Hoạt động kinh doanh khác: 1%.
Như vậy, tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với cá nhân kinh doanh = doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân.
Riêng, người kinh doanh nếu có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch dưới 100.000.000 đồng thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Ví dụ: Chị Bích kinh doanh quần áo sỉ và lẻ có doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân tháng 3/2024 là 25.000.000 đồng. Vì lĩnh vực kinh doanh của chị thuộc nhóm phân phối, cung cấp hàng hóa nên thuế suất thu nhập cá nhân được tính là 0,5% theo quy định nêu trên. Do đó, số tiền thuế thu nhập cá nhân chị Bích phải nộp được tính như sau:
Số tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân = 25.000.000 đồng x 0,5% = 125.000 đồng.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân của cá nhân làm công ăn lương
Thuế thu nhập cá nhân của cá nhân làm công ăn lương được tính dựa trên thu nhập tính thuế và thuế suất lũy tiến từng phần. Trong đó:
- Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ các khoản giảm trừ gia cảnh (với bản thân và người phụ thuộc nếu có); các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được xác định bằng tổng số thu nhập tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất như tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp và trợ cấp, trừ các khoản sau đây:
+ Phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công;
+ Phụ cấp quốc phòng, an ninh;
+ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;
+ Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật;
+ Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động;
+ Trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
- Thuế suất lũy tiến từng phần được xác định như sau:
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
Như vậy, tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với người làm công ăn lương là tổng số thuế tính theo từng bậc. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập x thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.
Ví dụ: Anh An có thu nhập từ tiền lương, tiền công tháng 4/2024 là 20.000.000 đồng với mức đóng bảo hiểm hàng tháng là 2.100.000 đồng. Anh còn độc thân và cũng không đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nào khác. Ngoài ra, anh cũng không có bất kỳ khoản trợ cấp và phụ cấp nào thuộc trường hợp được miễn trừ và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo quy định trên.
Vì vậy, thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của anh An được xác định như sau:
- Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân là 20.000.000 đồng.
- Giảm trừ gia cảnh bản thân theo quy định hiện hành là 11.000.000 đồng.
- Số tiền đóng bảo hiểm hàng tháng là 2.100.000 đồng
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân - Các khoản giảm trừ gia cảnh - Các khoản đóng bảo hiểm hàng tháng = 20.000.000 - 11.000.000 - 2.100.000 = 6.900.000 đồng.
Số tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 5.000.000 x 5% + 1.900.000 x 10% = 250.000 + 190.000 = 440.000 đồng.
Thạc sĩ luật Nguyễn Trúc Anh