Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến "Quản trị tài chính trong và sau đại dịch" do Saigon Times tổ chức ngày 8/5, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết, sau hơn một tháng triển khai Thông tư 01, đã có 168.000 khách hàng được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp phản hồi chưa tiếp cận được vốn ngân hàng.
Nguyên nhân chủ yếu theo ông Minh là các tổ chức tín dụng phải xem xét kỹ việc chứng minh thiệt hại của doanh nghiệp do Covid-19, và điều này được căn cứ vào dòng tiền, doanh thu cũng như kết quả kinh doanh. Cái khó là doanh nghiệp chưa chứng minh được những điều kiện trên với các tổ chức tín dụng.
Để tháo gỡ, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra 3 giải pháp cho các tổ chức tín dụng. Thứ nhất, phải đưa ra được tiêu chí về cơ cấu nợ, giảm lãi vay. Thứ hai, xây dựng quy trình nội bộ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Thứ ba, công khai minh bạch các tiêu chí và bộ quy trình.
Do vậy, để thuận lợi trong việc vay vốn, giảm lãi và giãn nợ, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp có thể lưu ý những điểm sau.
Thứ nhất, về minh bạch tài chính, theo bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, việc này không khó. Bộ Tài chính đã đưa ra đầy đủ các hệ thống báo cáo mẫu. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần xem trọng vai trò kế toán và ghi chép thông tin chính xác và đóng thuế đầy đủ thì sẽ dễ chứng minh được lịch sử tài chính.
Thứ hai, khi không có tài sản đảm bảo, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, doanh nghiệp phải tạo điều kiện để ngân hàng nắm thông tin, quản lý được dòng tiền thì họ mới mạnh dạn cho vay.
Thứ ba, TP HCM còn có chương trình hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tiểu thương, hộ kinh doanh, nông dân để có vốn duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, được thực hiện được 8 năm. Chương trình này đang có 12 thương hiệu ngân hàng tham gia, với vốn đăng ký 274.000 tỷ đồng.
Thứ tư, để được giãn nợ các khoản vay hiện hữu, ông Nguyễn Hoàng Minh lưu ý doanh nghiệp thuộc hội ngành nghề nào thì báo cáo về hội đó để tổ chức tổng hợp và gửi đề nghị về Ngân hàng Nhà nước. Tại TP HCM, đã có 161 trường hợp diện này được tiếp nhận giải quyết.
Thứ năm, để tìm nguồn tài chính trả lương nhân viên thì Chính phủ đã có gói 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề này do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thông qua ngân hàng chính sách xã hội giải ngân. Doanh nghiệp nên xem lại chính sách này có phù hợp với mình hay không.
Ở TP HCM, ngoài kênh ngân hàng, doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn từ 3 nguồn khác gồm các tổ chức chính phủ, vay từ nước ngoài và vay từ quỹ đầu tư. Bà Lâm Thị Ngọc Hảo cho biết, quỹ đầu tư thì có nhiều dạng.
Với quỹ đầu tư mạo hiểm thì thường không yêu cầu chứng minh tài sản đảm bảo, nếu đơn thuần chỉ cho vay nhưng lãi suất cao. Nếu với mức lãi thấp thì họ sẽ thêm quyền chuyển đổi khoản vay thành cổ phiếu, trái phiếu để chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong tương lai thì lãi suất nhẹ hơn. "Với dạng này cũng cần minh bạch báo cáo và định hướng kinh doanh để nói chuyện để có niềm tin giải ngân", bả Hảo nói.
Cũng theo chuyên gia của KPMG, ngoài chuyện tìm vốn ở đâu mùa đại dịch, doanh nghiệp cũng nên quan tâm hơn đến quản trị rủi ro tài chính. Doanh nghiệp phải hoạch định sẵn lộ trình kinh doanh và dự liệu trước khó khăn.
Khi nhìn thấy doanh thu sẽ sụt giảm 30-50% so kế hoạch trước đây thì phải dự liệu việc cắt những lớp chi phí nào, và tập trung vào chi phí ngắn hạn, thương lượng nhà cung cấp, ngân hàng để giảm và giãn nợ.
Đối với khách hàng phải tập trung vào việc thu hồi tiền càng nhanh càng tốt, sẵn sàng giảm giá để lấy tiền sớm. Lúc này, không nên tập trung vào lợi nhuận mà chủ yếu là thanh khoản và dòng tiền và phải đưa các kịch bản kinh doanh để kết nối với kế hoạch tài chính.
Viễn Thông