Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington hôm 10/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Đan Mạch và Hà Lan đã bắt đầu chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine sau thời gian dài trì hoãn.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết việc NATO chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine là thông điệp cho thấy Nga sẽ không thể chạy đua với Ukraine và phương Tây trong cuộc chiến dài hơi. "Nếu Tổng thống Vladimir Putin vẫn tiếp tục cuộc chiến, thiệt hại với Nga sẽ ngày càng lớn hơn", ông Blinken nhấn mạnh.
Hiện chưa rõ lô F-16 viện trợ đầu tiên tới Ukraine gồm bao nhiêu chiếc, song Đan Mạch và Hà Lan trước đó cam kết sẽ chuyển giao cho Kiev tổng cộng 43 tiêm kích loại này, ít hơn nhiều so với con số Ukraine mong muốn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 5 cho biết không quân nước này cần khoảng 130 chiếc F-16 để có thể đối đầu với Nga trên bầu trời.
Câu hỏi đặt ra là Ukraine phải làm thế nào để sử dụng số lượng tương đối ít F-16 này một cách hiệu quả nhất. Bài viết của trung tướng không quân Mỹ về hưu David Deptula, giám đốc Viện nghiên cứu Mitchell, và Christopher Bowie, chuyên gia tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, đã nêu ra một khả năng.
"Bằng việc tiến hành các chiến dịch hiệp đồng giữa không quân và lục quân để giành ưu thế trên không vào thời gian và địa điểm thích hợp, Ukraine có thể thúc đẩy đà tiến của mình trên chiến trường và bắt đầu giành lại lãnh thổ từ tay quân đội Nga", họ cho biết.
Ưu thế trên không là tình trạng một bên có quyền kiểm soát bầu trời, thoải mái thực hiện các hoạt động quân sự nhằm đạt mục tiêu đề ra mà không bị phòng không đối phương cản trở.
Cho đến nay, cả Nga và Ukraine đều chưa giành được ưu thế trên không đáng kể hoặc trên phạm vi rộng, song Moskva từng tạm thời thiết lập được quyền kiểm soát bầu trời quanh đô thị chiến lược Avdeekva ở tỉnh miền đông Donetsk hồi tháng 2. Điều này đã giúp quân đội Nga áp đảo phòng tuyến của Ukraine và chiếm được thành phố quan trọng này.
Deptula và Bowie cho rằng giành được ưu thế trên không là điều hết sức cần thiết để có thể đạt được "lợi thế quyết định" trong cuộc xung đột. Nếu không bên nào giành được lợi thế này, cục diện chiến sự sẽ tiếp tục duy trì ở thế "tương đối bế tắc" như hiện nay, tương tự chiến tranh chiến hào trong Thế chiến I.
Bước đầu tiên không quân Ukraine cần làm khi vận hành tiêm kích F-16 là thảo luận với lục quân để xác định thời điểm và vị trí thích hợp để giành ưu thế trên không, thay vì cố gắng áp đảo trên toàn chiến tuyến, Deptula và Bowie viết.
Tiếp theo, hai quân chủng cần xây dựng kế hoạch nghi binh quy mô lớn, bao gồm bố trí lực lượng tại nhiều trục khác nhau trên chiến trường để đánh lừa Nga về vị trí thực sự mà Ukraine định tấn công. Kế hoạch này ít nhất có thể mang tới cho Kiev một số yếu tố bất ngờ, điều quân đội Ukraine hầu như không có khi phát động chiến dịch phản công bất thành vào mùa hè năm ngoái.
Để ngăn Nga tiến hành các động thái đáp trả sau đó, Ukraine có thể triển khai "hàng trăm, tốt nhất là hàng nghìn" phương tiện bay không người lái (drone) tấn công phủ đầu loạt mục tiêu của đối phương, ví dụ các kho chứa và cơ sở dầu khí, khiến quân đội Nga thêm phần bối rối và bị tiêu hao bớt tên lửa đánh chặn.
Ngoài phương tiện không người lái, lục quân Ukraine còn có thể sử dụng vũ khí tầm xa như đạn của tổ hợp pháo HIMARS hay tên lửa đạn đạo ATACMS để tập kích radar, hệ thống phòng không và pháo binh của Nga. Không quân Ukraine có thể hỗ trợ chiến dịch này bằng cách khai hỏa tên lửa không đối đất HARM.
Thông tin tình báo do đối tác cung cấp sẽ có vai trò quan trọng đối với chiến dịch, giúp Ukraine cải thiện chất lượng, thời điểm và hiệu quả của cuộc tấn công. Các hệ thống tác chiến điện tử với khả năng gây nhiễu năng lực trinh sát, giám sát của Nga cũng sẽ đóng vai trò lớn trong việc ngăn cản phản ứng của đối phương.
Khi lục quân Ukraine bắt đầu tiến công, nước này cũng cần di chuyển các hệ thống phòng không vào gần tiến tuyến hơn để hỗ trợ ứng phó tiêm kích Nga.
Sự yểm trợ từ lực lượng dưới mặt đất sẽ tạo điều kiện để không quân Ukraine giành được ưu thế trên không ở một số khu vực cụ thể, giúp phi công nước này có thể không kích các đơn vị, mạng lưới hậu cần và vận tải của Nga, ngăn đối phương triển khai quân tiếp viện.
Dù có nhiều thách thức tiềm tàng như không đủ nguồn lực hay thời gian huấn luyện, phương án này hứa hẹn sẽ mang đến kết quả tích cực. Tận dụng ưu thế trên không tại các địa điểm trên, Ukraine có thể đạt được đột phá quan trọng để chọc thủng phòng tuyến Nga cũng như triển khai lực lượng đánh thọc sâu, theo Deptula và Bowie.
Ngoài việc giúp Ukraine chiếm ưu thế trên không cục bộ, tiêm kích F-16 được cho là còn có nhiều tác dụng khác với quân đội nước này. Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), cho rằng Kiev sẽ chủ yếu sử dụng phi cơ F-16 cho nhiệm vụ phòng không, bên cạnh việc yểm trợ binh lính trên tiền tuyến và thực hiện "một số cuộc tấn công gây nhiều chú ý" vào lãnh thổ Nga.
Hà Lan đầu tháng 6 đã công khai cho phép Ukraine sử dụng tiêm kích nước này chuyển giao để tập kích lãnh thổ Nga, song Bỉ cấm Ukraine làm việc này, còn Đan Mạch và Na Uy chưa bình luận.
Đồng quan điểm với Cancian, Michael Bohnert, chuyên gia mua sắm hàng không - hàng hải của hãng tư vấn RAND, cho rằng phi cơ F-16 sẽ giúp đánh chặn tên lửa hành trình Nga và bảo vệ các khu vực mà Ukraine không triển khai hệ thống phòng không mặt đất.
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, trong bối cảnh hậu phương Ukraine gần đây hứng nhiều thiệt hại từ các cuộc tập kích tầm xa của Nga.
Ngoài ra, tiêm kích F-16 còn có thể đóng vai trò mồi nhử để thu hút hỏa lực phòng không của Nga, cũng như buộc đối phương phải phân bổ thêm nguồn lực để có thể tìm cách tiêu diệt các máy bay này khi chúng còn đậu trên mặt đất.
Dù vậy, một số chuyên gia phương Tây nhận định rằng tiêm kích F-16 sẽ không phải là "vũ khí kỳ diệu" có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường. "Số lượng F-16 Ukraine sở hữu là không đủ", Cancian cho hay.
Chris Panella, bình luận viên của Business Insider, cũng cho rằng tiêm kích F-16 sẽ đối mặt với nhiều thách thức tại Ukraine, trong bối cảnh Nga đang triển khai nhiều hệ thống phòng không hiện đại ở đây. Bên cạnh đó, quân đội Ukraine cũng đang gặp vấn đề trong việc thích nghi với cách chiến đấu của phương Tây, đặc biệt khi tiến hành các chiến dịch hiệp đồng phức tạp.
Tuy nhiên, "F-16 vẫn sẽ giúp Ukraine được nâng cấp năng lực, cung cấp cho Kiev các hệ thống và vũ khí nước này chưa có, đồng thời giúp tăng hiệu quả tấn công và phòng thủ", Panella nhấn mạnh.
Phạm Giang (Theo AFP, Business Insider)