Tháng 9/2013, Google, một trong những tập đoàn công nghệ hùng mạnh nhất thế giới, mời thiền sư Thích Nhất Hạnh tới trụ sở chính ở California để giảng trọn một ngày về chánh niệm. Họ muốn biết những lời khuyên của thiền sư sẽ giúp Google trở nên hiệu quả và đồng cảm hơn như thế nào.
"Có cảm giác như chúng ta đang bị ngập trong thông tin. Chúng ta không cần nhiều thông tin đến vậy", thiền sư nói với các nhân viên Google trong cuộc gặp. Kể từ đó, thực hành chánh niệm ngày càng phát triển bên trong môi trường làm việc của gã khổng lồ công nghệ này. Nhiều người tham gia các khóa học chánh niệm chính thức, những phòng thiền cũng được thiết lập trong văn phòng của công ty.
Mỗi hai tháng, Google tổ chức "bữa trưa chánh niệm", trong đó mọi người dùng bữa trong im lặng hoàn toàn, ngoại trừ tiếng chuông. Các hoạt động thực hành chánh niệm của Google giúp nhân viên tìm thấy sự bình yên trong nội tâm và giải tỏa tâm trí để kiểm soát căng thẳng và tiêu cực.
Trong chuyến đi đến California năm 2013, thiền sư Thích Nhất Hạnh còn gặp hơn 20 CEO của các công ty công nghệ hàng đầu Mỹ tại Thung lũng Silicon, để trao đổi về nghệ thuật "sống với những gì đang diễn ra".
Bên cạnh vai trò giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, thiền sư Thích Nhất Hạnh còn nổi tiếng là một trong những lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất phương Tây, đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" và được coi là "cha đẻ của chánh niệm".
Chánh niệm có nghĩa là biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, thực hành chánh niệm giúp nhận diện niềm đau, nỗi khổ và chuyển hóa chúng. "Chánh niệm cho chúng ta thấy những gì đang xảy ra trong cơ thể, cảm xúc, tâm trí chúng ta và thế giới. Nhờ chánh niệm, chúng ta có thể tránh làm hại bản thân và người khác", ông nói.
Ngoài lĩnh vực công nghệ, chánh niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh còn được lan tỏa trong tâm lý học lâm sàng. Cuốn sách "Điều kỳ diệu của chánh niệm" xuất bản lần đầu năm 1975 của thiền sư đã đặt nền móng cho liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm, được áp dụng để điều trị trầm cảm.
"Thầy đã có mặt ngay từ đầu hành trình lan tỏa chánh niệm từ đông sang tây", Mark Williams, giáo sư danh dự về tâm lý học lâm sàng tại Đại học Oxford của Anh, đồng thời là giám đốc sáng lập Trung tâm Chánh niệm Oxford, cho biết.
Williams lần đầu tiên biết tới chánh niệm nhờ Marsha Linehan, giáo sư tâm lý học lâm sàng tại Đại học Washington của Mỹ, người luôn giữ cuốn "Điều kỳ diệu của chánh niệm" của thầy Thích Nhất Hạnh trong túi và gọi đó là "kinh thánh" của bà.
"Tôi gặp Linehan lần đầu vào cuối thập niên 1980, còn cuốn sách được xuất bản năm 1975. Linehan thu nhận ảnh hưởng từ cuốn sách, sau đó những công việc và lời khuyên từ bà ấy đã tác động tới chúng tôi khi nỗ lực kết hợp chánh niệm vào cách tiếp cận của mình để ngăn ngừa trầm cảm. Đây chính là liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm mà chúng ta biết đến", Williams cho hay.
Nhờ tác dụng giúp người tập đạt được sự tập trung và giảm bớt phân tâm, chánh niệm còn được quân đội Mỹ và một số quốc gia khác chú trọng. Từ năm 2019, các lính bộ binh Mỹ tại Schofield Barracks, Hawaii, đã bắt đầu sử dụng chánh niệm để cải thiện kỹ năng bắn súng, như tập trung vào thời điểm bóp cò trong môi trường hỗn loạn để tránh gây thương vong cho dân thường.
Thiếu tướng Walter Piatt, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Iraq, cho biết chánh niệm đã giúp ông đưa ra những quyết định chính xác nhất. Piatt thường bắt đầu ngày mới bằng cách hít thở thong thả, thả lỏng cằm, dồn tập trung vào một cây cọ. Ông cho biết phương pháp này dựa trên kết quả nghiên cứu của Amishi Jha, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Miami của Mỹ.
Theo một bài báo hồi tháng 12/2018 của Jha, những binh sĩ trải qua chế độ huấn luyện kéo dài một tháng, trong đó có hoạt động tập luyện chánh niệm, có thể nhận diện thông tin quan trọng trong hoàn cảnh hỗn loạn tốt hơn và được tăng cường khả năng ghi nhớ. Họ cũng được báo cáo mắc ít lỗi về nhận thức hơn so với những binh sĩ không thực hành chánh niệm.
Hải quân Hoàng gia Anh và Lực lượng Phòng vệ New Zealand cũng tổ chức rèn luyện chánh niệm cho các binh sĩ. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từng tổ chức hội nghị để thảo luận về bằng chứng cho thấy hiệu quả của chánh niệm trong quân đội.
Chánh niệm còn được đánh giá có tầm ảnh hưởng rộng rãi đối với gen Z (những người sinh ra từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010), thế hệ khá chú trọng sức khỏe tinh thần và cảm xúc, đặc biệt sau khi Covid-19 càn quét thế giới. Theo khảo sát năm ngoái của công ty nghiên cứu thị trường YPulse, 32% người trả lời trong độ tuổi 13-39 cho biết họ đã thực hành thiền và chánh niệm thường xuyên trong năm qua để xua tan lo âu.
Các ứng dụng thiền cũng ngày càng được hưởng ứng, với 1/3 số người trả lời khảo sát cho biết họ đã tải về. Bên cạnh đó, 36% tin rằng chủ lao động nên cung cấp các khóa dạy thiền hoặc chánh niệm tại nơi làm việc để giúp nhân viên tránh tình trạng kiệt sức.
Giờ đây, chánh niệm trở thành thuật ngữ phổ biến trong cuộc sống hiện đại, nhưng Williams tin rằng nếu không nhờ tầm ảnh hưởng của thiền sư Thích Nhất Hạnh, chánh niệm sẽ không được lan tỏa ở phương Tây như hiện nay.
"Thầy ấy đã truyền đạt những điểm cốt yếu của Phật giáo và khiến chúng trở nên dễ tiếp cận với người dân khắp thế giới, đồng thời xây dựng cầu nối giữa lĩnh vực khoa học tâm lý hiện đại, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại và phương pháp thực hành tâm trí cổ xưa này. Rồi thầy lại tiếp tục làm điều đó thông qua công việc giảng dạy", Williams nói.
Những người từng gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh cho hay sự hiện diện của thầy khác với bất cứ ai mà họ từng biết, như Anabel Temple, thành viên Tăng đoàn Trái tim London thuộc mạng lưới thiền viện của thầy.
Temple lần đầu biết đến các bài giảng qua cuốn "Muốn an được an" của thiền sư Thích Nhất Hạnh 30 năm trước. Bà từng đồng hành cùng thiền sư tại Trung Quốc và Việt Nam hồi năm 2005.
"Khi bạn bước vào căn phòng có hàng trăm người trong buổi Pháp thoại, thầy Thích Nhất Hạnh vẫn có khả năng khiến bạn cảm thấy thầy đang chú ý riêng đến bạn, trò chuyện trực tiếp với bạn", Temple cho biết. "Thầy vô cùng khiêm tốn, đức hạnh. Thầy cũng hài hước, có những lúc giận dữ và buồn đau, mang niềm vui thích như trẻ thơ với mọi điều".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng để lại ấn tượng sâu sắc đối với Suryagupta, chủ tịch Trung tâm Phật giáo London, người gặp thầy lần đầu trong một khóa thiền ở Anh khoảng 25 năm trước.
"Điều vô cùng ấn tượng là bất cứ lúc nào thầy bước vào một không gian, đôi khi có tới hàng trăm người, sự hiện diện của thầy sẽ ngay lập tức tạo ra sự bình lặng, yên tĩnh và mềm mại giữa đám đông dù thầy chưa nói lời nào. Bằng một cách nào đó, bạn cảm thấy bản thân được thả lỏng và tỉnh táo trước sự hiện diện của thầy", Suryagupta cho hay.
"Thầy cho thấy Phật giáo thực sự đón nhận tất cả mọi người. Đối với một phụ nữ da màu như tôi, điều đó vô cùng quan trọng", bà nói.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, TP Huế, ở tuổi 96. Nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao và lãnh đạo tôn giáo khắp thế giới đã đăng lời chia buồn sau khi nghe tin.
"Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người thầy tâm linh vĩ đại, giúp hàng triệu người khắp thế giới hiểu sâu sắc hơn về các triết lý của Phật giáo, cũng như cách áp dụng trong cuộc sống hàng ngày", Marianne Williamson, tác giả, giảng viên người Mỹ, cho hay.
"Món quà thầy ấy gửi tặng thế giới này quá lớn, nên tôi nghĩ chúng sẽ không phai mờ theo bất kỳ cách nào sau khi thầy ra đi", Williamson nói.
Ánh Ngọc (Theo Guardian, NY Times, YPulse)