Ngày 27/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) thông báo về việc tiếp nhận, điều chỉnh thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19 trên Sổ sức khoẻ điện tử. Theo đại diện HCDC, trong quá trình cập nhật thông tin tiêm chủng lên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử, một số trường hợp khi kiểm tra phát hiện có sự nhầm lẫn thông tin. Để thuận tiện cho việc chỉnh sửa các thông tin chưa chính xác, HCDC sẽ tiến hành ghi nhận và chỉnh sửa thông tin của người dân trên địa bàn toàn thành phố.
Để sửa lại thông tin bị sai trên ứng dụng, người dân truy cập đường link của HCDC. Sau có đăng nhập bằng email cá nhân, điền các thông tin bắt buộc gồm họ tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; số CMND; số điện thoại; địa chỉ liên hệ. Trong phần thông tin cần điều chỉnh, người dân có thể chọn chỉnh sửa về mũi tiêm 1, mũi tiêm hai, cả hai mũi tiêm hoặc thông tin sai lệch khác.
Sau đó, người dân cần điền tiếp các thông tin về thời gian thực hiện mũi tiêm, địa điểm tiêm, loại vaccine, nội dung cần điều chỉnh trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử. Cuối cùng người dùng cần chụp ảnh giấy xác nhận đã tiêm chủng vaccine Covid-19, tải lên hệ thống và gửi đi.
"Tôi gửi yêu cầu chỉnh sửa vào sớm 28/8. Một ngày sau, hệ thống đã cập nhật đầy đủ hai mũi tiêm. Trước đó, tôi chờ cả nửa tháng sau khi tiêm vaccine nhưng không được ghi nhận", Văn Minh, quận Bình Thạnh chia sẻ.
Trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử, người đã tiêm một mũi vaccine sẽ có mã QR nền vàng, còn tiêm đủ hai mũi là mã QR nền xanh. Thống kê của Bộ Y tế đến đến hết 4/8, đã có 6,8 triệu người dân Việt Nam được tiêm ít nhất một mũi vaccine, tuy nhiên, trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử chỉ gần 3,5 triệu người có chứng nhận, bằng một nửa so với thực tế.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết: "Hệ thống mới vận hành, trong khi lượng dữ liệu về tiêm chủng tương đối lớn, nên có thể một thời gian nữa những người đã tiêm vaccine mới có thông tin trên hệ thống". Ông Nam khẳng định dữ liệu của người dùng tiêm ở bất kỳ thời điểm nào đều sẽ được đồng bộ. Việc đưa lên hệ thống chỉ là vấn đề thời gian.
Ngoài ra, thông tin tiêm chủng của người dân trên hệ thống còn phụ thuộc vào việc nhập liệu của cơ sở tiêm chủng. "Với số lượng người tiêm lớn, các cơ sở y tế cần thời gian để nhập thông tin của từng người vào hệ thống. Vì vậy, những người đã tiêm được ghi nhận trên hệ thống khác nhau - người được ghi nhận trước, người ghi nhận sau", đại diện Viettel Solutions - đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống, cho biết.
Ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống Hồ sơ sức khoẻ cá nhân của Bộ Y tế. Ngoài việc đăng ký tiêm chủng, ứng dụng còn có thêm các tính năng, như khai báo y tế, chứng nhận tiêm chủng, cập nhật phản ứng sau khi tiêm vaccine Covid-19, mã số sức khoẻ, hồ sơ sức khoẻ, đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến... Mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử sau này sẽ thay thế cho giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 và mở đường cho Hộ chiếu vaccine sau này.
Khương Nha