Theo thông tin của Bộ Y tế, đến hết 4/8, đã có 6,8 triệu người dân Việt Nam được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Sự chênh lệch nêu trên là do một số cơ sở tiêm chủng chưa kịp cập nhật thông tin của người dân.
Với các trường hợp đã tiêm nhưng chưa có chứng nhận trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, người dùng có thể liên hệ cơ sở y tế tiêm để yêu cầu cập nhật dữ liệu.
Trước đó, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin -Bộ Y tế, cho biết: "Hệ thống mới vận hành, trong khi lượng dữ liệu về tiêm chủng tương đối lớn, nên có thể một thời gian nữa những người đã tiêm vaccine mới có thông tin trên hệ thống". Ông cũng khẳng định dữ liệu của người dùng tiêm ở bất kỳ thời điểm nào đều sẽ được đồng bộ và việc đưa lên hệ thống chỉ là vấn đề thời gian.
Sau những ngày đầu triển khai bị quá tải, gặp tình trạng chập chờn, khó sử dụng, hệ thống Quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia hiện có thể đáp ứng số lượng 5 triệu lượt đăng ký tiêm mỗi ngày. Nền tảng do Viettel xây dựng gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Hiện nền tảng được ứng dụng thực tế tại 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến ngày 1/8, Sổ sức khỏe điện tử đạt hơn 1,8 triệu lượt tải qua Android và iOS.
Nếu tiêm vaccine Covid-19 tại các điểm ứng dụng sẵn Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia, việc xác minh thông tin và cập nhật sẽ nhanh hơn - chỉ vài giây sau khi hoàn tất và có mã QR. Người dân có thể kiểm tra chứng nhận của mình trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Người đã tiêm một mũi vaccine sẽ có mã QR nền vàng, còn tiêm đủ hai mũi là mã QR nền xanh.
Toàn bộ dữ liệu về người được tiêm cập nhật lên ứng dụng do các Sở Y tế tại các tỉnh và Bộ Y tế quản lý. Dữ liệu về những người đã tiêm trước khi hệ thống được triển khai cũng đang dần được đưa lên hệ thống, đảm bảo người dân có chứng nhận nhanh nhất.
Sổ sức khoẻ điện tử là một trong hai nền tảng cho phép người dân đăng ký tiêm vaccine Covid-19 trên Internet. Người dân chỉ cần tải ứng dụng, đăng ký tài khoản và đăng nhập ứng dụng bằng số điện thoại. Để đăng ký tiêm chủng, người dùng điền thông tin cá nhân, địa chỉ, nghề nghiệp, đối tượng, khai báo y tế, xác nhận đồng ý với các điều khoản về tiêm chủng. Sau khi nhận được thông báo đăng ký thành công, người dân sẽ được liên hệ qua điện thoại. Theo cơ quan chức năng, đây mới là bước đầu để "thu thập nhu cầu và thông tin để lập danh sách đăng ký tiêm theo từng địa bàn", thời gian tiêm cụ thể còn tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế.
Ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống Hồ sơ sức khoẻ cá nhân của Bộ Y tế. Ngoài đăng ký tiêm chủng, ứng dụng còn có thêm các tính năng, như khai báo y tế, chứng nhận tiêm chủng, cập nhật phản ứng sau khi tiêm vaccine Covid-19, mã số sức khoẻ, hồ sơ sức khoẻ, đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến...
Tuấn Hưng