Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Họ rắn độc
Ở Việt Nam thường gặp hai họ rắn độc:
- Họ rắn hổ: rắn hổ đất, hổ chúa, hổ mèo, cạp nong, cạp nia...
- Họ rắn lục: rắn lục xanh, chàm quạp...
Dấu hiệu nhận biết
Quan sát nhanh vết cắn giúp xác định có phải bị rắn độc cắn hay không. Các dấu hiệu:
- Sưng nhiều, đau nhức nhiều ở chỗ bị cắn.
- Vết cắn có hai dấu răng nọc.
- Rắn họ lục:
- Dấu hiệu tại chỗ: sưng, bầm, hoại tử và da phồng rộp chứa đầy dịch.
- Rối loạn đông máu: xuất huyết da, niêm.
- Rắn họ hổ:
- Dấu hiệu tại chỗ ít.
- Dấu hiệu toàn thân: chóng mặt, buồn nôn, khó thở, yếu liệt chi.
Việc nên làm
- Trấn an nạn nhân để tránh nọc độc lan nhanh.
- Ngăn không cho nọc độc lan khắp cơ thể.
- Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Cách sơ cứu
- Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần theo dõi sát, ít nhất trong 6 giờ đầu.
- Khi bị rắn cắn, kể cả nghi ngờ rắn độc, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
- Cách sơ cứu:
- Cho nạn nhân nằm yên, trấn an họ.
- Bất động và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.
- Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước.
- Phủ gạc mát lên vết cắn để giảm đau, sưng.
- Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để xác định loại rắn cắn và tiêm huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Việc nên tránh
- Không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi.
- Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do hiện không thấy hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc.
- Không đắp lá cây không rõ loại lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng nặng thêm vết cắn.
Phòng ngừa
- Mang giày cao ống và mặc quần dài phủ ra ngoài giày là cách tốt nhất khi đi trên cỏ rậm hoặc vùng có nhiều rắn.
- Tìm hiểu các loại rắn độc, nhận dạng qua hình dạng và nơi sinh sống.
- Phát hoang rộng xung quanh nhà.
Mỹ Ý